Khánh tâm sự: “4 năm ĐH là thời gian tôi cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ. Đôi lúc mệt, cũng muốn được thảnh thơi như các bạn đồng trang lứa. Nhưng cứ nhớ cái dáng cực khổ của bố mẹ là tôi phải tự nhủ bản thân mình đi tiếp đi, không thể sống mãi với cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo được”.
Thời gian làm việc tại Viettel không chỉ đem lại cho chàng trai này cơ hội được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp mà quan trọng hơn, Khánh được làm đúng công việc mình yêu thích và phát huy hết sở trường của bản thân.
Chia sẻ về những ngày tìm hiểu về hệ thống bảo mật của Facebook, anh nói: “Ngày nào cũng vậy, cứ có thời gian rảnh là tôi ngồi mày mò. Tôi nhớ là sau 3 tháng ngồi nghiên cứu như vậy thì một buổi tối, tôi vô tình tìm ra vấn đề”.
“Vấn đề” mà anh nhắc đến chính là 2 lỗ hổng zero-day: lỗ hổng Zimbra (cho phép đọc email của người dùng) và lỗ hổng Oracle (chiếm quyền điều khiển server). Sau khi thực hiện tấn công thành công vào máy chủ của Facebook và được Facebook công nhận, trao thưởng 6.000 USD. Phạm Văn Khánh chính là trường hợp duy nhất tại Việt Nam được Facebook ghi nhận tính tới thời điểm hiện tại, góp phần nâng cao hình ảnh Trung tâm An ning mạng của Viettel trong cộng đồng An toàn thông tin (ATTT).
Để chúng tôi có thể hiểu rõ hơn, anh nói thêm, Facebook có chương trình trả thưởng cho người tìm ra và thông báo lỗ hổng cho công ty này. Các chương trình như thế gọi là bug bounty. Nhiều công ty khác như: Google, Twitter, Paypal.. cũng có các chương trình tương tự.
“Khách quan mà nói thì tôi thấy bản thân mình không phải quá xuất sắc, vì trước tôi đã có rất nhiều từng tìm ra lỗ hổng cho Facebook. Tuy nhiên, tôi không phủ nhận đó là bước ngoặt đối với cá nhân tôi, mặt khác, điều đó cũng giúp tôi có thêm niềm tin và động lực cho công việc cũng như niềm đam mê của mình sau này”, anh cười hiền và giải thích khi nhận được nhiều lời khen và sự ngưỡng mộ của cộng đồng.
Thành công chỉ đến khi bạn có đam mê và dám theo đuổi
Mô tả về đặc thù của nghề An ninh mạng, Khánh chia sẻ: “Tôi hay gọi vui những người làm nghề An ninh mạng là các “chiến binh”, thực chất công việc của chúng tôi là tìm và khắc phục lỗ hổng phần mềm của Tập đoàn, bảo vệ khách hàng, và hỗ trợ cho công tác điều tra an ninh mạng”.
Cũng theo lời anh, đội ngũ này sẽ trực tiếp thực hiện tấn công thử nghiệm, kiểm tra ATTT các hệ thống CNTT khó của tập đoàn và khách hàng. Khánh và các đồng nghiệp đã thực hiện thành công 8 đợt tấn công cảnh báo nội bộ cho các hệ thống CNTT trong Tập đoàn.
Bên cạnh đó, 9X này đã chỉ ra 9 lỗ hổng từ hệ thống CNTT của 9 khách hàng quan trọng là các Bộ Ban ngành, Tổng công ty lớn. Từ đó, Khánh và đội ngũ của Viettel đưa ra hướng dẫn khắc phục kịp thời, góp phần bảo vệ hệ thống CNTT của Tập đoàn và khách hàng. Và không quá bất ngờ khi Khánh được bình chọn là một trong số 6 nhân viên xuất sắc nhất toàn cầu của Viettel năm 2016.
Phạm Văn Khánh được công ty trao thưởng 100.000.000 đồng với thành tích tìm ra lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của facebook
“Nhiều người còn nói chúng tôi giống “bác sĩ” hơn là “chiến binh”, vì lúc nào cũng thấy “nghiên cứu, tìm tòi và chữa đúng bệnh” của hệ thống mạng”, anh hài hước chia sẻ. Dù biết mình đang theo đuổi ngành nghề khó, nhiều áp lực nhưng 9X này cho rằng “khi đã yêu thì sẽ hết mình”. Bên cạnh đó, chính sự thường xuyên thay đổi trong công việc đã tạo cảm hứng cho Khánh có thể làm việc xuyên đêm, ăn ngủ tại trụ sở mà vẫn cảm thấy “bình thường”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về bí quyết gì đã tạo nên thành công cho Khánh, anh trầm ngâm một lúc rồi trầm giọng: “Tôi nghĩ thế này, chỉ cần bạn có đam mê và dám theo đuổi thì chắc chắn sẽ thành công”.
Theo Thanh Niên