Chọn trường, chọn nghề: Đam mê của con, nỗi lo của cha mẹ

hueanh
Điều đọng lại trong talkshow là giọt nước mắt của một cậu bạn bị cả nhà quay lưng vì theo đuổi nghiệp game; là tâm sự của một giảng viên có cô con gái kiên quyết học một trường, làm một nghề không theo ý mẹ...

Chiều ngày 6/4, talkshow “Chuyện nghề, chuyện ta” đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bậc phụ huynh và các bạn học sinh. Tại đây, những “mảnh ghép đa chiều” – 3 vị diễn giả có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và phân tích xã hội đã cuốn khán giả vào các vấn đề đang nhức nhối của xã hội hiện tại: Học sinh có cần phải thi đại học, người trẻ có thể sống được nhờ đam mê và cách các bậc phụ huynh tiếp cận, định hướng con em mình trên con đường chọn trường, chọn nghề,...

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – Giảng viên ĐH Ngoại Thương tâm sự về cô con gái “nhất quyết tự định hướng tương lai, một mực không làm theo những gì mẹ tư vấn”. Theo đó, nữ sinh này đã 5 lần 7 lượt từ chối nộp hồ sơ thi đại học vào ĐH Ngoại Thương dù mẹ đã “van nài nhiều lần”, học tiếng Đức thay vì tiếng Hàn Quốc như mẹ tư vấn. Hay câu chuyện về người anh họ học vấn chỉ dừng lại ở lớp 10 nhưng vẫn mở được công ty, nuôi hai con du học,... đã khiến nhiều phụ huynh ngồi dưới trầm ngâm nghĩ về cách mình đang “ép hướng” tương lai của những đứa trẻ.

Còn với diễn giả Nguyễn Khắc Giang – Viện sĩ Viện nghiên cứ Kinh tế và Chính sách, đại học là nơi để anh nhận ra mình có đam mê mãnh liệt hơn với ngành mình đang học. Đỗ vào ngôi trường thuộc hàng TOP đầu của cả nước, thế nhưng những gì anh cảm nhận được lại là sự chán nản. Tốt nghiệp đại học, anh bén duyên với nghiệp báo chí để rồi sau đó nghiên cứu mới là công việc tạo nguồn thu nhập chính cho anh.

Gần gũi với nhiều bạn trẻ hơn có lẽ là trường hợp của diễn giả – nhà báo tự do Phạm Gia Hiền: “Sau khi thi trượt đại học, tôi dành một năm trời cặm cụi trong phòng học thuộc lòng một mớ lý thuyết. May mắn là năm sau tôi thi đỗ đại học và tiếp tục con đường báo chí mà tôi theo đuổi”.

Những câu chuyện hài hước, những lời khuyên vui vẻ của cả ba diễn giả đã tạo nên những nốt thăng cho buổi talkshow. Thế nhưng, tâm sự của hai vị khách mời đặc biệt đang làm việc trong những lĩnh vực đặc thù lại trở thành nốt trầm trong buổi trò chuyện.

Chàng rapper trẻ – Lê Anh Đức chia sẻ: “Khi mình bảo con thích rap, con đi biểu diễn rap ở các địa điểm thì bố mẹ phản đối kịch liệt. Mọi người bảo rằng học không lo học, cứ mải chơi bời, hát hò để làm gì. Nhưng sau một thời gian thì bố mẹ đã hiểu và bắt đầu quan tâm đến sở thích của mình hơn. Thay vì trách móc, bố mẹ đã bắt đầu hỏi hôm nay mình đi diễn ở đâu”.

 

Lê Anh Đức hiện đang là sinh viên tại trường ĐH Công Đoàn, đồng thời là một rapper trẻ nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng

Còn với Đinh Quốc Phương – người sáng lập của “Game không hay, xoá page” đã rơi nước mắt khi nghĩ đến câu chuyện đau lòng của mình: “Khi đó bố mẹ mình cho rằng game là hư hỏng, sa đoạ và có cái nhìn tiêu cực về nó. Mình bị nhốt vào phòng, cách ly hoàn toàn với mạng internet để không chơi game nữa. Thứ duy nhất mình chạm vào được là những quyển tạp chí game. Lúc đọc những dòng giới thiệu về các trò chơi, mình đã bị lôi cuốn vì quá hấp dẫn. Từ đó mình bắt đầu mơ ước về sau có thể viết được những dòng bình luận hay như vậy. Tuy nhiên đến bây giờ gia đình vẫn chưa chấp nhận công việc của mình, vì với họ game là xấu xa”.

Đinh Quốc Phương hiện đang cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc là đam mê của mình

Kết thúc talkshow, phóng viên (PV) báo điện tử Thiếu Niên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện riêng với anh Nguyễn Khắc Giang.

PV: Thực tại có rất nhiều bạn trẻ đang sống một cuộc sống mông lung, không biết mình thích hay đam mê cái gì. Bởi vậy, các bạn sẽ chọn trường học một cách tuỳ hứng hoặc nghe theo ý bố mẹ. Anh nghĩ thế nào về tình trạng này?

Anh Nguyễn Khắc Giang: Tình trạng này thời nào cũng có, chẳng hạn như thế hệ cuối 8X – đầu 9X của mình cũng vậy. Nhiều người không biết mình thực sự thích, đam mê cái gì nên khi đứng trước một quyết định quan trọng là thi vào trường đại học nào thì sẽ chọn theo cách hên xui, cảm tính hoặc dựa trên lời khuyên của người khác mà chưa có cơ sở vững chắc.

Điều quan trọng nhất để giúp các bạn học sinh bớt mông lung khi đứng trước các ngã rẽ chính là phát triển tốt chính sách định hướng nghề. Nhà nước cần phải phát triển chính sách này, giới thiệu cho các bạn rằng bản chất nghề nghiệp này là như thế nào, trong tương lai sẽ phát triển ra sao, hay công việc cụ thể mà các bạn sẽ phải đảm nhận khi tham gia vào nghề nghiệp đó. Như vậy, các bạn học sinh sẽ có nhiều thông tin hơn để đưa ra quyết định chính xác cho việc chọn trường, chọn nghề cho mình.

PV: Phải chăng việc các bậc phụ huynh quá gượng ép hoặc hướng con mình đi theo định hướng của gia đình để “có một công việc ổn định, tương lai tốt đẹp” đã khiến các bạn trẻ mất đi khả năng lên tiếng và lựa chọn những điều mình thích?

Anh Nguyễn Khắc Giang: Rất khó để xác định nguyên do trực tiếp dẫn đến thực trạng này bởi nó gắn nhiều với truyền thống giáo dục của Việt Nam và quan niệm của các gia đình. Thế nhưng, gia đình chỉ là một phần, ngoài ra nguyên nhân còn xuất phát từ nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục. Nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất chính là phương pháp học tập của học sinh Việt Nam.

Trong lớp học, chủ yếu các bạn lắng nghe lời thầy cô giảng và ít đưa ra phản biện. Tình trạng này xảy ra thường xuyên, liên tục và lặp lại ở nhiều thế hệ học trò sẽ dẫn đến tình trạng học sinh nước ta trở nên bị động. Tính bị động lại ảnh hưởng trực tiếp tới việc các em đưa ra quyết định mang tính lựa chọn cá nhân cho riêng mình, bởi trước đó các em luôn được người khác chỉ chỉ dẫn cặn kẽ và cứ thế làm theo.

Anh Nguyễn Khắc Giang (thứ hai từ trái sang) - Viện sĩ Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, tác giả của nhiều bài viết đầy thâm thuý gây tiếng vang trong giới báo chí

PV: Có nhiều trường hợp các bạn trẻ xác định được đam mê và lựa chọn trường theo đam mê đó, nhưng đến khi ra trường thì lại cảm thấy chán nghề hoặc tệ hơn là thất nghiệp. Theo anh, nguyên nhân là do đâu?

Anh Nguyễn Khắc Giang: Tình trạng này diễn ra rất phổ biến, chẳng hạn như thời điểm mình học ở trường ĐH Ngoại Thương thì có tới 80 – 90% sinh viên ra trường không làm việc trong các ngành họ theo học, dù khởi điểm đăng ký vào trường chính là đam mê.

Trước hết, khoảng cách từ lý thuyết đến công việc thực tế rất xa vời và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề chọn việc làm sau khi ra trường. Nhiều người cảm thấy công việc bên ngoài không phù hợp với những kiến thức mà các bạn tiếp nhận ở trường học nên các bạn quyết định từ bỏ công việc đó.

Tiếp đó, quá trình làm thêm khi đang học hoặc trải nghiệm các công việc khác nhau sau khi ra trường khiến bạn “va đập” nhiều hơn và nhận ra cái mình học không phải cái mình muốn làm thực sự. Từ đó các bạn có những lựa chọn khác và theo mình nghĩ đó cũng là chuyện tốt.

PV: Nhiều người cho rằng “Đại học không phải con đường tốt nhất nhưng lại là con đường an toàn nhất”, anh nghĩ sao về điều này?

Anh Nguyễn Khắc Giang: Nếu xét về mặt số liệu thì quan điểm đó không saì. Nếu có tấm bằng đại học thì khả năng các bạn có một công việc tốt sẽ cao hơn người khác rất nhiều.

Nhưng cũng xét về mặt số liệu thì quan điểm đó cũng lại không đúng. Theo Báo cáo Lao động việc làm thống kê vào quý 3 năm 2017, tỷ lệ những người thất nghiệp mà có bằng đại học là khoảng 25% trong khi ở nhóm những người theo học trung cấp, cao đẳng thì tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều, khoảng 6 – 9%.

Hiện tại ở Việt Nam đang có tình trạng dư thừa cử nhân. Nguyên nhân bởi họ không thực sự xuất sắc trong công việc của mình hoặc ngành nghề đó có quá nhiều nhân lực. Điều này khiến cho các bạn gặp khó khăn trong việc tìm việc đúng ngành, đúng nghề. Thế nên nếu không học đại học, cơ hội có một công việc ổn định sẽ lại cao hơn.

Cảm ơn anh về những chia sẻ này. Chúc anh sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Huệ Anh

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chọn trường, chọn nghề: Đam mê của con, nỗi lo của cha mẹ tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Đoàn công tác T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm việc với Đại sứ quán nước Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ngày 20/4 (theo giờ Hoa Kỳ), bên lề Diễn đàn Thanh niên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, đoàn công tác của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.