Cọc gỗ nhọn - lựa chọn tuyệt vời
Năm 938, trong lần đấu trí để chống lại quân Nam Hán, Ngô Quyền đã nghĩ ra một kế. Ông cho quân chọn cọc gỗ, vót nhọn đầu, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp, thủy triều rút thì cọc nhọn xuất hiện như một “trận địa” bí ẩn.
Sau đó, Ngô Quyền cho một đội quân nhỏ nhằm lúc thủy triều lên nhử quân Nam Hán vào khu vực sông Bạch Đằng nơi có thế trận cọc nhọn, rồi đợi khi nước triều rút, thuyền quân Nam Hán bị mắc cạn mới đem toàn bộ quân ra giao chiến. Quân Nam Hán mắc mưu, sa vào đúng thế trận Ngô Quyền đã sắp đặt. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị cọc nhọn đâm chìm. Tướng giặc Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.
Chứng tích còn ghi
Qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học tìm thấy những chiếc cọc gỗ lim nhọn trong trận Bạch Đằng năm xưa nằm ngập trong bùn đất ở độ sâu từ 0,5 – 1 mét. Nhiều cọc còn nguyên vỏ, chứng tỏ lúc đóng cọc gỗ vẫn còn tươi. Cọc dài nhất 2,8 mét, ngắn nhất 1,75 mét, được đóng hơi xiên, ngược chiều với dòng nước chảy.
Để hiểu rõ hơn về trận chiến trên sông Bạch Đằng và tận mắt nhìn thấy những cọc gỗ nhọn chống giặc hoặc mô hình trận chiến, chúng mình có thể đến trực tiếp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tham quan, học tập. Bạn cũng có thể tải app “Bảo tàng Lịch sử quốc gia” để nghe các video thuyết minh lịch sử nhé.
Còn nếu có dịp đến với Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) thì bạn đừng quên ghé thăm nhà truyền thống xã Đường Lâm cũng như đền thờ và lăng Ngô Quyền để tìm hiểu thêm về những chiến công của vị vua này nhé!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi Đồng. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi Đồng. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |