Nếu không tin, bạn có thể tiến hành thí nghiệm đơn giản như sau: đứng trước gương và thở ra bằng mũi, bạn sẽ thấy có hai vết hơi nước sẽ đọng lại trên bề mặt, mỗi vết cho một lỗ mũi. Nhưng một vết sẽ lớn hơn vết kia, bởi vì con người chủ yếu thở bằng một lỗ mũi tại một thời điểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Michael Benninger ở Viện nghiên cứu Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết tại bất kỳ thời điểm nào, con người sẽ hít thở khoảng 75% từ lỗ mũi này và 25% từ lỗ mũi còn lại. Hai lỗ mũi hoán đổi vai trò cho nhau liên tục trong ngày, được gọi là chu kỳ mũi.
Trong một chu kỳ mũi, một lỗ mũi bị tịt, nên sẽ đóng góp ít không khí hơn, trong khi lỗ mũi còn lại cực kỳ thông.
Bình thường hầu như chẳng ai nhận ra mình chỉ thở bằng một bên mũi. Tuy nhiên, nó có thể dễ nhận thấy hơn khi bạn ngủ.
Chẳng hạn, nếu bạn nằm nghiêng về bên phải, trọng lực sẽ khiến lỗ mũi dưới - lỗ mũi bên phải - bị tắc nghẽn nhiều hơn. Nếu chu kỳ đã chỉ định lỗ mũi bên phải tự nhiên bị tắc nghẽn nhiều hơn vào thời điểm đó, sẽ không có tác dụng đáng kể. Nhưng nếu vòng quay của mũi đã làm cho lỗ mũi bên trái bị nghẹt nhiều hơn và lỗ mũi bên phải bị nghẹt do nằm nghiêng, có thể làm khó thở và khiến bạn tỉnh giấc.
Khi bị cảm lạnh, sẽ có lúc bạn cảm thấy một bên mũi bị tắt nhưng đó không phải là do chu kỳ của mũi. Về cơ bản cả hai lỗ mũi đều bị tắc nghẽn khi bạn bị ốm, vì vậy bạn sẽ khó thở bằng mũi cho dù bạn đang ở đâu trong chu kỳ.
Đến nay, câu trả lời cho câu hỏi vì sao tồn tại chu kỳ mũi vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng có một giả thuyết được nhiều người chấp nhận: "Nó liên quan đến việc để hơi ẩm tích tụ ở một bên mũi để không quá khô".
Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí PLOS One, những người thuận tay phải có xu hướng dùng lỗ mũi bên trái nhiều hơn.