Tình trạng cận thị ở teen hiện này khá phổ biến, nguyên nhân có thể đến từ áp lực học tập, các thiết bị điện tử hoặc tư thế ngồi học, đọc sách sai cách,… Tật cận thị ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ đôi mắt cũng như sinh hoạt, học tập hàng ngày.
Nhưng bạn có biết không, chưa chắc ai bị cận thị cũng là cận thị thật đâu. Có một hội chứng mang tên cận thị giả, biểu hiện khá giống với tật cận thị, dẫn tới nhiều người lầm tưởng và điều trị sai cách, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mắt.
Cùng tìm hiểu về hiện tượng này nhé!
1. Cận thị giả là gì?
Cận thị giả chỉ là những rối loạn thoáng qua, giống một bệnh hay một hội chứng nào đó chứ không phải bệnh lý cố hữu.
Rối loạn điều tiết tạm thời ở mắt sẽ gây ra cận thị giả. Trong trường hợp này, ảnh của vật được nhìn sẽ hội tụ trước võng mạc (giống như tật cận thị) do sự co thắt thoáng qua của cơ thể mi, làm tăng công suất khúc xạ của mắt.
Những rối loạn này chia làm 2 dạng:
- Thực thể: Do hệ thần kinh phó giao cảm bị kích động quá mức
- Cơ năng: Do mắt khó chịu nhất thời hoặc do mệt mỏi thị giác.
Các bạn học sinh, sinh viên là những người thường xuyên gặp tình trạng rối loạn trên.
2. Các triệu chứng của cận thị giả
Tương tự cận thị thật, cận thị giả cũng bao gồm các triệu chứng:
- Mỏi mắt
- Nhìn xa không rõ
- Chảy nước mắt
- Khó khăn trong việc ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần
Có bạn sẽ thấy mắt nhìn kém hẳn sau một đợt ôn thi hoặc làm việc với máy tính, sách báo kéo dài. Có bạn thấy mắt nhức mỏi khi làm việc nhiều, đeo thử kính cận của người khác thì thấy sáng hơn. Vì vậy, họ cho rằng mình bị tật cận thị, nhưng thực ra thì không phải như vậy.
Nếu không được phát hiện sớm và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ cho mắt thì rất có khả năng cận thị giả sẽ trở thành cận thị thật.
3. Vì sao xảy ra hiện tượng cận thị giả?
Nguyên nhân có thể do:
- Cơ thể bạn mắc một số chứng bệnh về mắt như: viêm thể mi, chấn thương mắt, dùng các thiết bị điện tử trong thời gian dài.
- Nhìn liên tục ở cự ly gần trong thời gian dài khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây chảy nước mắt, đau đầu, nhức mỏi mắt.
- Do sự chủ quan của bạn. Khi thấy mờ mắt, bạn không đến khám tại các phòng khám chuyên khoa mắt mà lại đi cắt kính ở các cửa hàng kính. Đa số các kỹ thuật viên ở cửa hàng kính rất khó phát hiện chính xác bệnh cận thị giả nên sẽ chỉ định đeo kính. Điều này làm cho mắt lười điều tiết và dần phụ thuộc vào kính khiến tình trạng mắt mờ tăng lên.
4. Bạn nên điều trị cận thị giả thế nào?
Chữa cận thị giả rất đơn giản nếu bạn phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng cận thị giả:
- Không nên để mắt làm việc liên tục trong thời gian kéo dài. Sau khoảng 1 giờ học tập, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi 5 - 10 phút, nhìn ra các khoảng màu xanh để mắt thư giãn hoặc thực hiện một vài động tác massage cho mắt.
- Trong trường hợp cận thị giả do mắt làm việc ở khoảng cách gần, bạn cần nhỏ thuốc mắt kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tốt cho mắt.
- Nếu tình trạng cận thị giả của bạn nặng, bạn sẽ được chỉ định dùng kính chuyên dụng để giúp điều tiết mắt nhẹ nhàng hơn. Khi phục hồi, bạn phải ngừng đeo kính mắt.
- Giữ khoảng cách tối ưu cho mắt khi làm việc, không nhìn quá gần vào màn hình máy tính, sách vở hoặc một vật thể.
- Trong chế độ ăn uống cần bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin A, B, D…. và sử dụng thuốc nhỏ mắt để chống nhức mỏi và thoái hóa mắt.
Nếu gặp tình trạng mắt mỏi, nhìn mờ, bạn nên báo bố mẹ ngay để đi khám tại các cơ sở khám mắt chuyên khoa, uy tín để được chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, cần đi khám mắt định kỳ để phát hiện chính xác nhất các tật về mắt, qua đó có cách điều trị phù hợp.