Công viên địa chất Lạng Sơn được UNESCO công nhận toàn cầu

PV
Sáng 12/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (PAGN- 8) với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng công viên địa chất”.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các địa phương theo mô hình "mở", vừa bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, giá trị lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, vừa thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.

Nhận thức được những giá trị và ý nghĩa quan trọng đó, ngay từ những năm đầu tiên thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (Mạng lưới), Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và cùng các địa phương tham gia và đóng góp tích cực.

Quang cảnh Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quang cảnh Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cho đến nay, các công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam là Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và ngày hôm qua (11/9) Lạng Sơn vừa được hội đồng thông qua, đã thể hiện được tính đúng đắn từ những mục tiêu ban đầu của Mạng lưới.

Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đã giúp Cao Bằng và các địa phương của Việt Nam gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao giáo dục cho người dân; phát huy tốt vai trò của thanh niên, phụ nữ, người yếu thế để họ vừa được thụ hưởng vừa tham gia vào việc quản lý, vận hành các công viên địa chất, như tinh thần của hội nghị: "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng công viên địa chất".

Từ kinh nghiệm của Cao Bằng, chúng ta cần khích lệ thanh niên - một lực lượng nòng cốt, tiên phong, phát huy sức trẻ, sáng tạo đóng góp vào tương lai của Mạng lưới, nhất là khi chúng ta đang phải đối mặt với mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, cần một chiến lược, tầm nhìn và lực lượng tiên phong.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, là một vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, song những ngày qua, Cao Bằng cùng các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải hứng chịu thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân do ảnh hưởng của siêu bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu sau bão.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và của mà nhân dân Cao Bằng và các địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải đối mặt; đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Cao Bằng cũng như các địa phương khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, tổ chức thành công hội nghị quan trọng này.

"Vượt qua những trở ngại của bão, lũ, sự tham dự đông đảo của chính các đại biểu thể hiện quyết tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và các thành viên UNESCO nói chung cùng hành động mạnh mẽ tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương - một trong những giải pháp quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà nhân loại đang nỗ lực hướng tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện.

Là tổ chức duy nhất của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực khoa học trái đất, UNESCO hơn 50 năm qua đã phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Theo Phó Thủ tướng, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đã có những đóng góp thiết thực trong việc tăng cường gắn kết, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt – di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu trong suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý rằng, theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững năm 2024 tháng 6 vừa qua, chỉ 17% mục tiêu là đang đi đúng hướng. Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu giữ nguyên tiến độ triển khai như hiện nay, phải đến năm 2062 mới có thể đạt được các cam kết đặt ra cho năm 2030. "Công viên địa chất toàn cầu chính là một lời giải cho vấn đề toàn cầu này", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh tương lai tại New York (Hoa Kỳ) để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á-Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới.

Thứ nhất, cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì phát triển bền vững. Thứ hai, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu. Thứ ba, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững. Thứ tư, cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.

"Tôi trông đợi Tuyên bố Cao Bằng sẽ là văn kiện quan trọng đánh giá hoạt động của Mạng lưới hai thập kỷ qua, đề xuất định hướng hợp tác trong thập kỷ tới, nhất là năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm Chương trình Công viên địa chất toàn cầu" của UNESCO (2015-2025), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Công viên địa chất Lạng Sơn được UNESCO công nhận toàn cầu tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác