Đã có 20 ca nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", Whitmore có thực sự đáng sợ?

Chi Đặng (Tổng hợp)
Từ đầu năm 2019 đến nay, các bệnh viện đã ghi nhận 20 ca nhiễm bệnh Whitmore, trong đó có 4 người tử vong. Bệnh này được phát hiện ở nhiều nơi như: Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…

Phát hiện hàng chục bệnh nhân mắc bệnh Whitmore

Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nam bệnh nhân M.V.D, 45 tuổi (La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên) vào viện sau một tuần bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải. Sau khi vào viện điều trị nhiễm trùng gối phải và sử dụng 10 ngày kháng sinh thì được ra viện. Tuy nhiên vết thương lại tái sưng, chảy dịch, khi đến viện được các bác sĩ phẫu thuật nạo tổ chức viêm xương chết tìm ra bệnh whitmore.

Tại Hà Tĩnh, bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi, trú trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) bị sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối Abcees sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi và được người nhà đưa vào điều trị tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, được chuẩn đoán mắc bệnh Whitmore.

Ngày 9/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận bệnh nhân Vi Văn L (49 tuổi, ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Đến ngày 14/9, các bác sỹ đã phát hiện ra vi khuẩn Whitmore trong người bệnh nhân.

3 bệnh nhi được phát hiện nhiễm bệnh Whitmore tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

Ngày 15/9, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận 4 bệnh nhi gồm: Nghiêm Thanh T. (14 tuổi, ngụ huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Hoàng Văn C. (10 tuổi, ngụ xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An), Nguyễn Công H. (11 tuổi, ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), H.B.L (8 tuổi, ngụ xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Bốn bệnh nhi được người nhà đưa đến viện với tình trạng áp-xe viêm tuyến nước bọt mang tai, tình trạng chuyển biến nặng. Theo gia đình thông tin, các bệnh nhi này có biểu hiện giống quai bị nên đã tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều ngày không thấy bệnh tình thuyên giảm mà khu vực vùng da bị áp-xe. Khi đến bệnh viện xét nghiệm máu thì cả 4 bạn nhỏ đã dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh whitmore).

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã từng điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân ở Thanh Hóa bị vi khuẩn "ăn" cụt cánh mũi. Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da ở cánh mũi, chưa tổn thương xương. Sau 2 tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và lên da non.

Bệnh Whitmore không lây từ người sang người và có thể điều trị khỏi bệnh nếu phát hiện sớm

Bệnh whitmore (hay Melioidosis) là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei thường được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm (như  hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da).

Thể cấp tính của Whitmore biểu hiện sốt và đau cơ toàn thân. Bệnh có thể biểu hiện khu trú (như một vết loét, nốt trên da do quá trình mầm bệnh xuyên qua da vào các vết thương sẵn có). Hoặc vi khuẩn xâm nhập diễn tiến nhanh chóng gây nhiễm trùng huyết và các bệnh cảnh khác nhau như: viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn da, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc viêm xương tủy và liên quan đến thần kinh, cũng có thể gây áp xe cơ quan nội tạng và các ổ nhiễm ở phổi, khớp.

Căn bệnh Whitmore này được phát hiện khó khăn bởi có nhiều dấu hiệu giống các căn bệnh khác nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp-xe cơ, nhiễm trùng huyết.

Khi chẩn đoán được bệnh thì phải dùng kháng sinh liều cao điều trị tấn công trong 2 tuần, sau đó phải theo dõi và dùng kháng sinh duy trì trong 3-6 tháng nữa, tuy nhiên cho đến nay tỉ lệ tử vong do bệnh này vẫn lên đến 40%.

Các bác sĩ cho hay bệnh whitmore không lây từ người qua người. Những trường vừa qua chỉ là những ca bệnh đơn lẻ và các bệnh viện xét nghiệm ra đúng bệnh, chứ không phải dịch bệnh như một số người dân đang lo lắng. Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trên tờ VnExpress rằng: "Hiện, có 38 bệnh viện ở 26 tỉnh, thành phố đã được đào tạo về phương pháp xét nghiệm bệnh, phát hiện được gần 1.000 ca nhiễm Whitmore trong cả nước. Dự báo của các chuyên gia quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong".

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore nên muốn phòng bệnh, bạn cần lưu ý các điều sau: Những người thường xuyên tiếp xúc với nước, bùn đấy phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động. Tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm nếu bạn đang có vết thương hở hoặc bệnh tiểu đường, thận mãn tính. Mang khẩu trang khi tiếp xúc với khu vực có không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến thức ăn, đặc biệt đừng quên khử trùng dao sau khi cắt thịt cá sống. Nếu bạn có thói quen uống các sản phẩm sữa tươi, hãy chắc chắn rằng chúng đã được tiệt trùng. Nếu cơ thể có vết thương hở, nhớ lưu ý băng bó, che chắn cẩn thận để hạn chế nguy cơ vết thương tiếp xúc với vi khuẩn.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đã có 20 ca nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", Whitmore có thực sự đáng sợ? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.