Từ trước đến nay, chúng mình đều mặc định rằng con trai sẽ đi tiểu đứng dù là có bồn tiểu đứng hay bồn cầu bình thường. Có lẽ thói quen tiểu đứng của nam giới xuất phát từ tính tiện lợi của nó.
Ngoài ra, nó còn xuất phát từ thói quen được truyền từ thế hệ này sang thế hệ. Từ bé, chúng mình đã được người lớn dạy đi cách “giải quyết nỗi buồn” như thế rồi.
Tuy nhiên, liệu thói quen đi tiểu đứng có hợp lý trong mọi trường hợp? Và nó có gây mất vệ sinh khi nước tiểu có thể bắn tung toé khắp nơi?
Một tổ chức quốc tế đã tiến hành cuộc thử nghiệm để nghiên cứu xem nước tiểu của nam giới có thể bắn ra ngoài gây mất vệ sinh như thế nào.
Trong thí nghiệm, họ để chất lỏng chảy vào phía sau bồn cầu (tức là thành bồn cầu sát với bồn nước), bằng mắt thường, chúng ta có thể thấy chất lỏng chảy thẳng xuống bồn cầu, rất sạch sẽ. Nhưng khi chiếu đèn cực tím vào, người ta thấy rằng chất lỏng sẽ bắn tung tóe lên nắp bồn cầu và vòng đệm bồn cầu, vô cùng mất vệ sinh.
Nếu chất lỏng được nhắm vào thẳng chính giữa bồn cầu (tức là nước trong bồn cầu), nước tiểu thậm chí còn bắn tung tóe khắp nơi. Đáng ngại là cuộc khảo sát cho thấy 29% các bạn nam thường nhắm thẳng vào vị trí này khi đi tiểu.
Và nếu chất lỏng được nhắm vào mặt trước của bồn cầu (tức là thành bồn cầu ở phía ngoài) sẽ không có nhiều chất lỏng có thể bắn ra bên ngoài, chứng tỏ rằng phương pháp này sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 2% nam giới làm điều này.
Ngoài ra, bạn chỉ cần đi tiểu 10 lần trong 5 ngày, bồn cầu sẽ trở nên vô cùng kinh khủng, như thế này:
Có thể thấy cách tiểu đứng gây ra nhiều vấn đề về vệ sinh, vậy nếu nam giới đi tiểu ngồi thì sao?
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE (Public Library of Science) cho thấy đối với một người khỏe mạnh, tiểu ngồi và tiểu đứng có ảnh hưởng như nhau đến sức khỏe, nhưng nếu có triệu chứng đường tiết niệu dưới, ngồi tiểu có thể tốt hơn.
Cụ thể, đối với bạn nam khỏe mạnh, dù đi tiểu ở tư thế đứng hay ngồi, thì 3 thông số bao gồm tốc độ, thời gian và lượng nước tiểu còn đọng lại về cơ bản là giống nhau. Với người có các triệu chứng về đường tiết niệu dưới (như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu không hết, tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu rắt…), tiểu ngồi có thể cải thiện 3 thông số này.
Những lợi ích của việc đi tiểu ngồi
Thực tế thì khi chúng mình vẫn đang phân vân nên đi vệ sinh thế nào cho hợp lý, thì các bạn nước Nhật và nước Đức đã có thói quen đi tiểu ngồi từ lâu.
Ở Đức, đứng đi tiểu là một hành vi rất bất lịch sự (khi đi tiểu lên bồn cầu), thậm chí bạn sẽ thấy có cả các biển cấm nam giới đi tiểu đứng lên bồn cầu trong các nhà vệ sinh công cộng. Nam giới nước này được dạy ngồi tiểu trên bồn cầu từ khi họ còn nhỏ, điều này không chỉ tránh làm bẩn bồn cầu và nền đất mà còn trông rất quý ông.
Tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều nam giới ngồi tiểu. Một nghiên cứu dữ liệu vào năm 2018 cho thấy gần 1/3 nam giới ở Nhật Bản sẵn sàng ngồi tiểu.
Vậy lợi ý của thói quen đi tiểu này là gì?
Tiểu ngồi để khỏi bị ngất
Ngoài việc cải thiện các triệu chứng đường tiết niệu dưới, ngồi tiểu cũng có thể ngăn ngừa chứng tiểu ngất.
Điều này xảy ra khi bạn đang đi tiểu mà có cảm giác chóng mặt, mắt mờ, chân yếu rồi ngã lăn ra đất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sau khi ngủ dậy từ tư thế nằm sang tư thế đứng, lượng máu lưu thông không kịp cung cấp cho não dẫn đến thiếu máu não và ngất xỉu. Nhưng nếu một người ngồi tiểu sau khi thức dậy sẽ giúp tránh được nguy cơ này.
Bảo vệ tuyến tiền liệt
Tất nhiên, ngoài việc ngồi tiểu, nam giới cũng có thể ngồi xổm để đi tiểu. Đối với nam giới bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính, ngồi xổm để tiểu là phương pháp chăm sóc sức khỏe tiết kiệm chi phí.
Khi nam giới ngồi xổm để đi tiểu, áp lực ổ bụng tăng lên, lượng nước tiểu tồn đọng trong bàng quang và niệu đạo tuyến tiền liệt sẽ được thải ra ngoài kịp thời, tránh sự kích thích của nước tiểu tồn đọng, đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính như sưng tấy và tiểu không hết.