“Vui” là một từ mà ai ai cũng hiểu. Đó là sự hài lòng, thích thú về một điều gì đó. Nhưng còn từ “phết” ở đây có nghĩa là gì nhỉ?
“Phết” chính là một trò chơi đầu năm, thường được tổ chức vào những ngày hội Xuân ở Đồng bằng Bắc Bộ. Sân chơi phết là sân đình. Cách chơi như sau: Có hai nhóm với số lượng người bằng nhau. Ở hai đầu sân, chừng 30 đến 50 mét, người ta vẽ một vòng tròn bằng vạch vôi (hay đào lỗ) làm mục tiêu. Người đánh phết chia làm hai phe, lần lượt dùng gậy tre để cả gốc (dài chừng 1m) đánh vào quả phết (làm bằng gỗ, tiện tròn, sơn đỏ). Đội nào di chuyển quả phết đúng vào vòng tròn (hay lỗ) của đối phương nhiều lần hơn là đội thắng cuộc.
Trò chơi này làm cho ta hình dung giống như môn đánh gôn (golf, hay còn gọi là côn cầu) bây giờ. Đó là một môn thể thao dùng gậy đánh một quả bóng nhỏ từ một nơi, cho đến khi bóng lọt thỏm vào lỗ nhỏ ở nơi khác, trong cùng một khoảng đất (phẳng, có cỏ mọc mịn).
Theo dân gian thì trò chơi đánh phết có nguồn gốc từ tục thờ Mặt Trời. Vì vậy, quả phết đánh đi được bay theo quỹ đạo Mặt Trời (chuyển động từ đông sang tây và ngược lại). Người ta còn gắn trò chơi này với sự tích Hai Bà Trưng. Để giúp cho binh sĩ thuần thục chiến trận, các tướng của Hai Bà thường tổ chức cho họ luyện tập với trò chơi phết. Các cuộc thi đấu phết đều thu hút đông đảo người xem. Mọi người cùng hò reo khích lệ trong không khí vui vẻ, sảng khoái. Thành ngữ “vui ra phết” đã ra đời từ đó.
Quả phết cũng nhỏ thôi mà
Hai quân cùng đấu thật là vui thay…
PGS.TS Phạm Văn Tình