Có lẽ chính đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng không thể ngờ rằng sau 20 năm phát sóng, cái tên “Nguyệt thảo mai” sẽ trở lại đầy ấn tượng đến vậy. Cô Nguyệt khiến khán giả thích thú bởi diễn xuất “lật mặt nhanh hơn lật bánh tráng”: vừa tươi cười rạng rỡ mà sau đó đã “tặng” ngay mẹ chồng tương lai một cái liếc trộm sắc lẹm vì bị miếng cá bắn lên mặt.
Phân cảnh để đời xây dựng thương hiệu của nhân vật Nguyệt.
Thế nhưng, chính xác cụm từ “thảo mai” là gì mà mọi người dùng nhiều đến vậy? Chắc chắn điều này sẽ khiến bạn bất ngờ bởi vì “thảo mai” không hề có trong từ điển Tiếng Việt cũng như trong nhiều tài liệu về ngôn ngữ.
Nếu phân tích cụ thể về nghĩa Hán Việt: "Thảo" có nghĩa là cỏ, cây cỏ, thể hiện sự non nớt, non xanh, mềm mại, mềm yếu. "Mai" có nghĩa là che lấp, ẩn giấu. Như vậy, “thảo mai” là thơ ngây, non nớt, thật thà, tốt bụng, nhưng thường được hiểu theo ý nghĩa là nói đến sự giả tạo thơ ngây. Sự giả tạo ở đây được hiểu theo một ý nghĩa nhẹ nhàng, dễ chịu, trêu đùa hoặc đôi khi là mỉa mai, châm biếm.
Có khá nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải ý nghĩa của cụm từ này, trong đó nguồn gốc từ câu ca dao này được nhiều người chấp nhận nhất:
"Thảo mai rao bán chỉ vàng
Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh".
Theo câu ca dao này, cô gái miệng nói bán chỉ vàng nhưng thực chất lại bán chỉ xanh; châm biếm những người thiếu trung thực, giả tạo trong lời nói và hành động của mình.
Một giả thuyết khác lại cho rằng, “Thảo Mai” là tên của một cô gái trong tác phẩm nghệ thuật nào đó, được tác giả khắc hoạ tính cách giả tạo, gió chiều nào xoay chiều đấy. Vì thế nó trở thành tính từ, gắn với những người có biểu hiện tính cách như vậy. Nhưng giả thuyết này thiếu độ tin cậy vì chưa được kiểm chứng.
Tóm lại, đến thời nay từ “thảo mai” đã được mặc định là sử dụng cho những hành động mang tính chất giả tạo, không thành thực với cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Tuy nhiên, nhiều lúc nó được dùng với mục đích trêu đùa nên tuỳ từng hoàn cảnh để có cách hiểu phù hợp.
Thêm một điều thú vị nữa, “thảo mai” còn là tên một loại quả có hình dạng giống tim gà, màu đỏ, cùi mềm, mọng nước, vị chua ngọt và khá giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, đây còn là một vị thuốc trong Đông y, dùng để trị chứng thiếu máu, ho phế quản và cả táo bón.
Huệ Anh