Những món mứt thuộc hàng... quý tộc
Theo truyền thống, ngay lúc nhỏ, con gái Huế đã được các mệ (bà), mẹ dạy nữ công gia chánh, lo việc bếp núc. Nhất là những tiểu thư trong phủ đệ của các vương gia thì lại càng phải đảm đang, khéo léo. Theo tục lệ, mỗi gia đình quyền quý đều tỉ mỉ làm nhiều bánh mứt ngon, khác biệt để tiến vua, hoàng gia và dành cho gia đình ăn dịp Tết. Có lẽ do vậy mà mứt Huế rất phong phú, hấp dẫn.
Mứt cung đình là loại mứt vô cùng độc đáo, chỉ dành cho vua quan thưởng thức. Nhà vua thường chiêu đãi quốc khách và triều thần nhiều món bánh mứt cung đình như mứt màu hoa, bát bửu, tứ linh, đậu phụng, màu quả, nho, dưa, táo…
Nhìn mâm mứt cung đình, chắc chắn bạn sẽ không nỡ ăn ngay bởi tất cả đều vô cùng tinh xảo, cầu kỳ. Mứt màu hoa làm từ đu đủ và bí đao được tỉa vẽ công phu. Mứt bát bửu được tạo thành từ những món mứt quý như mứt hạt sen, mứt kim quất, mứt táo, mứt long nhãn, mứt đậu đỏ… Mứt hạt sen có cánh nở như hoa rất kiểu cách. Mứt hạt dâu làm từ đậu xanh và đường phèn, nhuộm phẩm màu thiên nhiên, là loại mứt dùng thay cho hạt dưa vì trong cung không được phép cắn hạt dưa. Mứt trái Phật thủ có hương vị thơm tho...
Những món bánh dân dã được tiến cung
Bên cạnh những món mứt cung đình được chế biến kỳ công, có nhiều loại bánh dân dã ngoài dân gian cũng được tiến cung và xuất hiện ở ngự thiện phòng để vua thưởng thức như bánh khoai tía, bánh kê, bánh bó…
Bánh khoai tía được làm từ khoai tía và các loại nếp ngon, bên trong có nhân tôm đất tươi, thịt lợn cỏ, mộc nhĩ và măng Mạnh Tông. Bánh kê là bánh chay có nhân đậu xanh, đậu khuôn và nấm hương, vỏ bánh làm từ kê vàng đúng mùa của Huế rất dẻo và thơm.
Xưa kia, các nhà vườn miền Trung thường trồng cây ăn trái như: mít, thơm (dứa), chuối… Đến mùa trái cây chín, nhiều người dân thường phơi khô, gói cất kỹ trên giàn bếp. Mỗi dịp giỗ, Tết thì đem ra cắt nhỏ rồi nhồi với bột nếp, bó trong mo cau thành từng đòn, khi ăn thì cắt lát, làm ra chiếc bánh bó như một bức tranh lập thể nhiều màu sắc rất đẹp. Món ăn bình dân này cũng được theo chân các phi tần, cung nữ vào chốn cung đình Huế và được thay đổi tên gọi thành bánh mứt trái cây…
Các món bánh, mứt Tết của Huế bao đời nay vẫn thế! Từ thành phố đến thôn làng, đi đến đâu cũng không hề thiếu vắng cái hương vị cay cay, ngọt ngọt, chua chua của mùi bánh mứt bay ra từ các gian bếp nhỏ. Và trong số đó, vẫn có nhiều sắc hương từ chốn cung đình Huế được người làm bánh tỉ mỉ chăm chút với tất cả tấm lòng hoài niệm.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |