Những năm gần đây, mít Thái được coi là cây trồng chủ lực tại một số tỉnh Nam Bộ. Mít thương phẩm được thu hoạch với giá cao nên nhiều nhà vườn đã chuyển đổi trồng mít theo dạng chuyên canh hoặc xen canh trong vườn cây ăn quả khác.
Đặc biệt, mít thương phẩm được thương lái thu mua tận vườn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Mức giá thu mua từ 25 - 45.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên đến 50 - 60.000 đồng/kg tùy theo chính vụ hay trái vụ. Từ việc mua bán này mà nghề "ngửi mít thuê" được ra đời.

Không giống với "cò mít" là những người dẫn thương lái vào vườn thu mua, những người ngửi mít thuê là người đi cùng thương lái đến vườn để xác định độ già của mít và đảm nhận công việc hái mít cho chủ vườn.
Những người ngửi mít thuê thường có tiếng tăm trong giới buôn mít, bởi họ có kinh nghiệm. Mỗi ngày theo chân thương lái, họ có thể kiếm được cả triệu đồng. Một người thợ "có tiếng" ở Bình Phước chia sẻ, nếu lỡ hái trúng một trái mít non hay có xơ đen sẽ không được tín nhiệm, nguy cơ mất nghề cao.

Một trái mít ngon thông thường được phán đoán phụ thuộc vào 2 yếu tố là mùi thơm và màu sắc, hình thù ngay sát cuống. Người thợ này cho biết thêm: "Khi nhìn thấy chiếc lá đó ngả vàng, có đốm thì 90% là trái đó đã già, có thể hái và sẽ chín sau 3-4 ngày. Để chắc ăn, tôi lấy mũi dao Thái Lan chích nhẹ vào cuống. Nếu mủ mít chảy ra nhanh và trong thì trái đó sắp chín, ngược lại nếu nhiều mủ và chảy chậm thì chưa hái được".

Cứ vào vụ mít, trung bình mỗi ngày thợ "ngửi mít thuê" sẽ đi khoảng 2 - 3 vườn kết hợp bẻ mít phụ chủ thì sẽ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Đặc biệt, nghề nghiệp thuận lợi thì cả năm có thể mang về hơn trăm triệu đồng.
Ngoài "ngửi mít thuê", miền Tây Nam Bộ còn có một nghề thú vị là nghề hòa muối thành nước rồi nấu trên chảo khổng lồ. Người ta thường phơi nước biển để lấy muối. Song ở Bến Tre, có nghề lạ lùng là hòa muối vào nước cho lên chiếc chảo khổng lồ đun cho cô đặc lại.

Hiện tại, nghề "ngửi mít thuê" hay nấu muối đã không còn xa lạ với người Nam Bộ nhưng với một số bạn vùng khác thì vẫn khá bất ngờ khi nghe thấy lần đầu. Ở vùng miền bạn đang sinh sống có nghề gì đặc biệt không? Hãy cùng chia sẻ nhé!