Lịch sử hình thành Đội TNTP Hồ Chí Minh
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đảm đương sứ mệnh cao cả lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân Việt Nam đấu tranh giành giải phóng dân tộc và giai cấp. Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú ý đến lực lượng thanh thiếu nhi, phong trào thanh thiếu nhi nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ đó, tổ chức Đội từng bước được hình thành. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã đề cập đến việc tập hợp thiếu nhi vào các tổ chức thiếu niên cách mạng, Hồng nhi đoàn… và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách.
Và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên. Tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết các lực lượng đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) được thành lập và được gia nhập Mặt trận Việt Minh, hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung “Dự bị đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập".
Ngày đầu tiên thành lập, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng, Nông Văn Thàn (bí danh là Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (bí danh là Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh là Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (bí danh là Thanh Thủy).
Đội TNTP Hồ Chí Minh thành lập là nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước, bởi lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Từ ngày thành lập đến nay, Đội đã trải qua nhiều lần đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng.
- Năm 1941: Hội Nhi đồng Cứu quốc (sau đó đổi là Đội Thiếu nhi Cứu quốc).
- Tháng 3/1951: Đội Thiếu nhi tháng Tám.
- Ngày 4/11/1956: Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam.
- Năm 1970 - nay: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
Sau ngày thành lập, vâng theo lời Bác dạy, cùng cha anh làm cách mạng, Đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Bên cạnh việc tập hợp, giáo dục thiếu niên nhi đồng, các Đội Thiếu nhi Cứu quốc đã tham gia cách mạng góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945. Các đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ xóm làng, tham gia lao động tiết kiệm, xoá mù chữ... đã lập công xuất sắc như Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội Thiếu nhi Thành Huế, Đội Thiếu nhi Đồng Tháp Mười... nhiều đội viên thiếu nhi anh hùng xuất hiện như Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính... của thời kỳ chống Pháp đã trở thành những gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam noi theo, làm sáng ngời trang sử của Đội Thiếu niên tiền phong.
Những phong trào lớn của Đội
Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phong trào Trần Quốc Toản do Bác Hồ phát động năm 1948, đến nay, công tác Trần Quốc Toản đã trở thành phong trào truyền thống của Đội ngày càng phát triển và có ý nghĩa xã hội rộng lớn; phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy”, đã có nhiều tập thể Đội và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều đội viên thiếu niên tiền phong đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt nguỵ, các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Kơpa Kơlơng, Trần Văn Uẩn...
Đội viên thiếu niên tiền phong và thiếu nhi Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức Đội, góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng chung. Suốt những năm qua, các phong trào và hoạt động của Đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn liền với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đội đã tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lửa tuổi theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, tạo cho thiếu niên nhi đồng biết vượt khó để học tập tốt, rèn luyện tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ, mai này trở thành người công dân mới, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” (1958) để lao động, tiết kiệm làm ra của cải vật chất như xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong (1959 đi vào hoạt động), Đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987)... và hàng nghìn công trình khác ở các địa phương đã tạo nên những cơ sở vật chất văn hóa cho thiếu nhi và xã hội. Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non, lập các quỹ “Vì bạn nghèo”, “Hỗ trợ tài năng trẻ”, quỹ Vừ A Dính, Đôrêmon, Giải thưởng Kim Đồng... đã thu hút hàng tỷ đồng nhằm giúp đỡ hàng triệu bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện sinh hoạt và học tập, hoà nhập với cộng đồng. Các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ”; phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Về với cội nguồn”, “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “Áo lụa tặng bà”, “Địa chỉ nghĩa tình”... đã thu hút hàng triệu em tham gia. Thông qua các hoạt động đó, các em được tự rèn luyện và được giáo dục những truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu niên, nhi đồng, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Việt Nam với vị lãnh tụ, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tạo môi trường học tập và rèn luyện, góp phần bồi dưỡng hình thành cho các em những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người công dân mới xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn mới, phong trào được triển khai theo hướng cụ thể với từng năm học, trong đó, mỗi năm học, tổ chức Đội hướng dẫn, giúp đỡ các em thiếu nhi rèn luyện tập trung vào một nội dung trong lời dạy của Bác. Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi các năm học được Hội đồng Đội Trung ương xây dựng, cụ thể hóa theo 5 điều Bác Hồ dạy gồm: Tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”; tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Học tập tốt, lao động tốt”; tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”; tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”; tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp nhằm biểu dương những thiếu nhi có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và cũng là dịp thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với thế hệ măng non của đất nước. Qua đó, hàng triệu thiếu nhi tiêu biểu đã được tuyên dương tại các kỳ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Trải qua 9 kỳ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc đã có 2.614 thiếu nhi được tuyên dương là Cháu ngoan Bác Hồ cấp toàn quốc; riêng giai đoạn 2015 - 2020, đã có gần 25 triệu cháu ngoan Bác Hồ các cấp được tuyên dương tại Đại hội các cấp.
Kế thừa và phát triển, qua 63 năm triển khai thực hiện, phong trào “Kế hoạch nhỏ”được điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn với nhiều nội dung, hình thức mới phong phú, đa dạng như: tăng gia chăn nuôi, sản xuất, tiết kiệm và thu nhặt phế liệu, giấy vụn các loại… các mô hình hay, hiệu quả tiếp tục được duy trì như “Vườn rau của em”, “Đàn gà Khăn quàng đỏ”, “Xe đạp giúp bạn đến trường”, “Một triệu cuốn vở giúp bạn đến trường”, “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường”, “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, “Lớp học bán trú”… góp phần giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường và tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẻ chia cùng cộng đồng.
Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong đội viên, thiếu niên nhi đồng và các tầng lớp nhân dân, góp phần cổ vũ các em xây dựng niềm tin, ước mơ hoài bão, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.
Vâng lời Bác Hồ dạy, phát huy truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” các thế hệ thiếu nhi đã tích cực tham gia phong trào “Nghìn việc tốt” và đã xuất hiện những tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, những tập thể điển hình với nhiều chiến công và thành tích vượt bậc trên tất cả các mặt học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội như: Dũng cảm cứu bạn, giúp đỡ gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ; những nhà tin học nhỏ tuổi, những huy chương vàng trên lĩnh vực thể thao... Trong giai đoạn mới, phong trào tiếp tụcđược các cấp bộ Đội triển khai với các hình thưc đa dạng như: tổ chức các buổi sinh hoạt liên đội dưới cờ với chủ đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Nói lời hay, làm việc tốt” góp phần định hướng những giá trị tốt đẹp cho thiếu nhi…
Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” được đẩy mạnh đã tạo ra những kết quả tích cực với hàng ngàn điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi, các lớp học tình thương, các buổi ôn luyện văn hoá, sinh hoạt văn nghệ, thể dục, thể thao, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho trẻ em; huy động nguồn lực sửa chữa, nâng cấp, xây mới trường học, điểm vui chơi; đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động thiếu nhi, đặc biệt vào các dịp cao điểm như: Tháng hành động vì trẻ em, Ngày quốc tế thiếu nhi 0/6, chương trình “Đêm hội trăng rằm” nhân dịp Tết Trung thu, Tết nguyên đán... đã mang lại niềm vui, điều kiện sinh hoạt, ánh sáng tri thức đến với học sinh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Các chương trình, hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, về nước sạch, ý thức tiết kiệm, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống, phòng chống các tệ nạn xã hội, giao lưu, hội nhập quốc tế,… được triển khai sâu rộng. Tiêu biểu:“Mizuiku - Em yêu nước sạch”, “Ngày hội sắc màu”, “Ươm mầm xanh”, “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”, Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò và trao giải thưởng “Cây bút tuổi hồng”, cuộc thi “Đọc sách vì tương lai”, cuộc thi “Em yêu khoa học - Tài năng công nghệ nhí”, sân chơi “Tài năng Anh ngữ Việt Nam”,…
83 năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội, những tiến sĩ, kĩ sư, bác sĩ, những nhà khoa học, thầy cô giáo, những công nhân có bàn tay vàng, nhiều sáng tạo…
Phát huy truyền thống vẻ vang trong 83 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội TNTP Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam sẽ ra sức học tập và rèn luyện, sáng tạo không ngừng để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh, góp sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.