Đừng "nhắm mắt" uống kháng sinh!

Nguyễn Như Quỳnh
Tần số phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh, đặc biệt trong nhiễm khuẩn bệnh viện, gia tăng đến mức đáng báo động vào những năm qua.

Theo khảo sát từ nhiều quốc gia trên thế giới, có thể có đến 50% lượng kháng sinh sử dụng trong bệnh viện là không hợp lý. Đó là con số trung bình được rút ra từ nghiên cứu của nhiều quốc gia. Ví dụ tại Hà Lan, tỉ lệ này là 25%, trong khi ở Indonesia lên đến 79% và Nigeria là 88%. Những con số đáng báo động này đã được PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày tại hội nghị khoa học "Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện" do Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức mới đây.

Thói quen hễ bệnh là ra nhà thuốc mua theo liều, không nắm rõ tên thuốc, công dụng, chỉ định/chống chỉ định của các loại thuốc mình dùng là rất nguy hiểm.

"Tấn số phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh, đặc biệt trong nhiễm khuẩn bệnh viện, gia tăng đến mức báo động vào những năm qua" – PGS Lê Thị Anh Thư nhấn mạnh. Theo bà, các kháng sinh mới được nghiên cứu và sử dụng rất ít và việc duy trì hiệu quả của các kháng sinh hiện có là rất cần thiết. Hiện nay tại Việt Nam, chi phí sử dụng kháng sinh đang chiếm khoảng 45% trong tổng số chi phí điều trị chung. Hơn 60% bệnh nhân điều trị nội trú có sử dụng kháng sinh và tỉ lệ này lên đến 95% ở nhóm bệnh nhân có phẫu thuật.

Có hai cách tiếp cận điều trị kháng sinh hiện nay được lưu ý trong báo cáo: tiếp cận điều trị kháng sinh "truyền thống" và tiếp cận điều trị kháng sinh "xuống thang". Kiểu "truyền thống" theo trình tự sau: lâm sàng nghi ngờ nhiễm trùng, chọn lựa kháng sinh phổ hẹp, sau đó thay đổi trị liệu kháng sinh dựa trên cơ sở dữ kiện vi trùng học. Kiểu này dẫn đến nguy cơ trị liệu không thích hợp. Kiểu thứ hai là kiểu điều trị kháng sinh "xuống thang": lâm sàng nghi ngờ nhiễm trùng, chọn lựa ngay kháng sinh phổ rộng trên cơ sở "nguy cơ", thay đổi trị liệu kháng sinh dựa trên cơ sở dữ kiện vi trùng học. Kiểu trị liệu này có thể đưa đến nguy cơ đề kháng kháng sinh phổ rộng (sẽ rất nguy hiểm khi sau này bệnh nhân mắc một dạng nhiễm trùng nguy hiểm, cần đến kháng sinh liều mạnh, phổ rộng).

Ngoài ra, việc lạm dụng, dùng sai, dùng không đủ khi sử dụng kháng sinh trị bệnh cũng là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến kháng kháng sinh. Lạm dụng có thể do nhân viên y tế chỉ định kháng sinh cho bệnh nhân ngoại trú không cần thiết, người dân thì có thể mua kháng sinh dễ dàng, nhiều người lại muốn dùng kháng sinh dù chưa thực sự cần thiết vì nghĩ đơn giản rằng sẽ mau hết bệnh. Dùng sai có thể do nhân viên y tế chỉ định hoặc dùng thuốc sai, sai liều, sai thời gian. Dùng không đủ thường do bệnh nhân không tuân thủ, tự ngưng điều trị sớm, sử dụng một số thức ăn làm giảm hấp thu thuốc trong dạ dày…

Vì vậy, trong bối cảnh vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn đang là thách thức đối với ngành y tế nước ta và nhiều nước trên thế giới, theo các chuyên gia, một chiến lược quản lý kháng sinh chặt chẽ là hết sức cần thiết. Cần có một sự thay đổi không nhỏ về nhận thức và cách sử dụng kháng sinh ở người dân lẫn nhân viên y tế.

Theo nhiều chuyên gia y tế, thực trạng nhiều người dân khi bệnh ra nhà thuốc khai bệnh sơ qua với nhân viên bán thuốc rồi mang về vài "liều thuốc" được chia sẵn, không còn vỉ, hộp, không có hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất và thậm chí bệnh nhân cũng không rõ tên thuốc, công dụng của thuốc mình dùng là rất nguy hiểm. Ngoài vài loại thuốc thông dụng có lỡ lạm dụng cũng ít gây "hậu quả", các liều thuốc này cũng có thể chứa kháng sinh. Nguy cơ lờn kháng sinh, dị ứng thuốc, trị không đúng bệnh… là rất cao.

Theo Nguoilaodong 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đừng "nhắm mắt" uống kháng sinh! tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Những loại đồ uống gây "nguy hiểm" cho xương của bạn

Thực phẩm mà bạn tiêu thụ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến xương của bạn. Bên cạnh các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sức khỏe xương, vẫn có những loại thực phẩm và đồ uống làm giảm sự hấp thụ Canxi và khiến xương, răng của bạn yếu hơn.

"Bật mí" những cách trị sẹo thâm ở chân nhanh và an toàn

Sẹo thâm được tạo nên khi vùng da bị tổn thương nhưng không được bảo vệ, chăm sóc đúng cách. Để cho da bị ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, vi khuẩn môi trường. Khiến cho da tổn thương sản sinh nhiều sắc tố melanin hình thành sẹo thâm, sẫm màu.