“Bổ sung Biotin” là câu trả lời dành cho những ai đang tìm kiếm cách để tóc mọc nhanh và dày hơn trong các hội nhóm chia sẻ cách làm đẹp. Theo nhiều người, Biotin là một thành phần giúp giảm rụng tóc, điều trị móng tay giòn. Dần dần, Biotin trở thành một thành phần vô cùng phổ biến trong chu trình chăm sóc sắc đẹp của rất nhiều cô gái. Nhưng chính sự phổ biến này đã làm phát sinh thêm những câu hỏi như: Có đúng là bị rụng tóc do cơ thể thiếu Biotin không? Tại sao lại có nhiều người thiếu hụt Biotin đến như vậy? Dùng Biotin có thật sự “thần thánh” và nó ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta như thế nào?
Cơ thể có cần nạp thêm Biotin hay không?
Từ một báo cáo từ Viện Y tế Quốc gia cho biết, việc một người trưởng thành thiếu hụt Biotin là rất hiếm, đặc biệt là một người khỏe mạnh có chế độ ăn cơ bản. Lý do vì Biotin có sẵn trong hầu hết các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như thịt, cá, khoai lang,... đây đều là những nguồn Biotin tự nhiên phổ biến.
Ngay cả khi bạn đang ăn kiêng hoặc ăn chay thì cũng có rất nhiều thực phẩm chứa Biotin. Vậy kết luận là, cơ thể chúng ta không cần bổ sung thêm Biotin.
Biotin có thực sự giúp tóc mọc nhanh hơn?
Theo nhiều lời khuyên, uống Biotin sẽ giúp tóc bạn mọc dài và nhanh hơn, thậm chí chất tóc cũng bóng khỏe hơn. Nhưng bất ngờ, nhiều bác sĩ da liễu đã đính chính rằng chưa có bất kỳ kiểm nghiệm lâm sàng nào chứng minh điều này. Vậy tại sao lại có người khẳng định Biotin đã giúp tóc của họ phát triển khỏe mạnh?
Trong 1 vài cuộc khảo sát nhằm đính chính khẳng định này từ người tiêu dùng, các bác sĩ da liễu cho biết có 1 số ngoại lệ rất ít thực sự thiếu hụt Biotin và cũng là nhóm người này mới có phản ứng tốt với việc bổ sung Biotin.
Thực tế, rụng tóc là biểu hiện của việc thay đổi nội tiết tố hoặc căng thẳng quá độ. Khi thấy tóc rụng nhiều bất thường, bạn hãy kiểm tra sức khỏe của bản thân thay vì vội kết luận rằng bạn đang thiếu hụt Biotin.
Tác dụng phụ của Biotin
Bên cạnh những lời khen ngợi tác dụng của Biotin, thì cũng có những bình luận nói rằng họ đã bị mụn từ khi bắt đầu sử dụng loại thuốc này. Điều này chứng tỏ rằng cơ thể bạn đang dư thừa Biotin.
Dư thừa Biotin có thể làm giảm sự hấp thụ các loại vitamin và khoáng chất khác, đặc biệt là B5 - là hàng rào bảo vệ da, ảnh hưởng đến quá trình trị mụn.
Năm 2019, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đưa ra cảnh báo, việc bổ sung Biotin với liều lượng cao sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Ví dụ về xét nghiệm Troponin (một xét nghiệm để chẩn đoán bạn có đang bị đau tim hay không) thì Biotin có thể can thiệp bằng cách tạo ra kết quả Troponin thấp, được gọi là hiện tượng âm tính giả.
Vậy làm sao để giảm tóc rụng?
Trước tiên, bạn hãy xác định nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc, bởi đây cũng là triệu chứng của một số bệnh lý. Nếu bạn thấy tóc rụng kèm theo các thay đổi về sức khỏe thì cần đi khám ngay lập tức.
Bên cạnh đó, hãy hạn chế sử dụng nhiệt cao và hóa chất cho tóc (nhuộm, uốn, ép…), không buộc tóc quá chặt, tránh sử dụng dầu gội chứa sulfate hoặc dầu xả có silicone, hạn chế hút thuốc và nói không với những chế độ ăn kiêng làm thâm hụt calo quá nhanh. Về cơ bản, bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, thư giãn và tránh căng thẳng là bạn đã có thể cải thiện tình trạng tóc rụng mà không cần phải bổ sung Biotin.