Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác và chiếm một vị trí đáng kể trong nhóm tật về thị giác, đặc biệt ở học sinh và và nhóm người lao động trẻ.
Khi bị cận thị, hình ảnh sẽ được hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ ở võng mạc như mắt bình thường. Một thấu kính lõm phù hợp có thể giúp điều chỉnh hình ảnh về đúng võng mạc.
Cận thị làm giảm sức nhìn, gây cản trở, khó khăn trong việc học tập và sinh hoạt hàng ngày. Học sinh từ 7-16 tuổi rất dễ mắc chứng cận thị, và độ cận thị tăng nhanh do mắt phải điều tiết nhiều.
Dấu hiệu nhận biết tật cận thị:
- Nhìn vật phải đưa sát vào mắt mới rõ: cúi sát mắt vào sách vở, ngồi sát để xem truyền hình...
- Hay nheo mắt để nhìn vật, đặc biệt khi ánh sang yếu.
- Thường xuyên dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn.
- Mắt nhìn mờ hoặc nhức mắt.
- Kết quả học tập sút kém, không thích các hoạt động nhìn xa như đá bóng, đá cầu mà thích thú hơn với việc đọc truyện, xem phim, chơi game…
Những lý do khiến tỷ lệ cận thị gia tăng
Tư thế ngồi học không đúng
Học tập ở nơi thiếu sáng cùng tư thế ngồi không đúng được nhiều bác sĩ nhãn khoa nhận định là nguyên nhân hàng đầu khiến thị lực của học sinh bị giảm sút. Để cải thiện sức khoẻ cho “cửa sổ tâm hồn”, các bạn học sinh nên ngồi thẳng lưng, khoảng cách giữa mắt và sách vở nên từ 30 đến 40 cm. Ngoài ra, phụ huynh nên chọn đèn bàn học với bóng đèn LED dưới 13W và có đồ chụp để đảm bảo nguồn sáng tập trung, không gây chói mắt.
Lạm dụng thiết bị công nghệ
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hại đến thị lực. Ánh sáng xanh từ màn hình TV, máy vi tính, điện thoại di động… có thể xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu để đến đáy mắt và gây ra các triệu chứng khô, mờ, nhức mắt...
Bên cạnh đó, thời gian học tập kéo dài cũng khiến mắt bị quá tải. Để mắt được nghỉ ngơi, học sinh nên tuân thủ quy tắc 20 - 20 - 20, tức là sau mỗi 20 phút sử dụng máy tính hoặc điện thoại, bạn nên ngưng nhìn màn hình và nhìn ra xa khoảng 20 feet (6 m) trong ít nhất 20 giây.
Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp
Yếu tố này thường bị bỏ qua song có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của đôi mắt. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đôi mắt sáng khỏe.
Những thực phẩm như: cá, trứng, cà chua, cà rốt, cải bó xôi, các loại hạt… chứa nhiều vitamin A, B, E… không chỉ giúp cải thiện thị lực mà còn phòng ngừa các bệnh nguy hiểm về mắt.
Làm thế nào để phòng chống tật cận thị?
Điều chỉnh sự điều tiết của mắt: khám mắt ở địa chỉ uy tín, đo thị lực và đeo kính hợp lý. Học tập và giải trí đúng cách: ngồi học đúng tư thế, nơi đủ ánh sáng, giữ đúng khoảng cách khi xem ti vi, chơi vi tính…
Chế độ ăn uống hợp lý: Thực đơn hàng ngày nên có nhiều các loại rau xanh thẫm, cà rốt, bí đỏ, cà chua cung cấp các vitamin dưỡng mắt như Vitamin A, vitamin E, vitamin B. Nên hạn chế thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều đường, dầu mỡ.
Chăm sóc mắt hàng ngày bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mắt nhằm bổ sung các vitamin, acid amin cho mắt.
Mai Lâm (tổng hợp)