15 tuổi - Bước chân vào "bóng tối"
Từ lớp 8, Hiếu được mua máy tính để bàn và bắt đầu có đam mê tìm hiểu mảng an ninh mạng. Mày mò khám phá, đến lớp 10. Hiếu đã kiếm được khá nhiều tiền từ việc hack thẻ tín dụng ngân hàng của người này để bán cho người khác. Học hết cấp 3, Hiếu dùng những đồng tiền phi pháp đầu đời của mình để đi du học New Zealand với ước mong trở thành một kỹ sư mạng máy tính.
Thế nhưng qua đến New Zealand, anh lại tiếp tục hack thẻ tín dụng. Nếu không bị cảnh sát nước này phát hiện, đôi tay đã nhúng chàm của anh chắc sẽ không bao giờ biết dừng lại. “Lúc đó tôi còn quá trẻ. Kiếm được nhiều tiền, tôi rất kiêu ngạo và nông cạn. Tôi chỉ nghĩ việc mình làm là ăn cắp vặt, sẽ chẳng ai để ý đến. Tôi chỉ nghĩ có tiền là được chứ không nghĩ đến tội lỗi.”

May mắn cho anh, chính phủ New Zealand chỉ yêu cầu anh trả lại tiền cho các nạn nhân, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi biến cố ập đến với anh khi anh hành sự trên phạm vi điều tra của nước Mỹ.
25 tuổi - Bản tuyên án 40 năm tù
Sau phi vụ ở New Zealand, Hiếu về nước, hứa với cha mẹ sẽ không làm hacker nữa, nhưng chỉ được một thời gian. Bạn bè trong giới rủ rê Hiếu đi hack số an sinh xã hội, vì có rất nhiều người muốn mua chúng. “Tôi nghĩ rất đơn giản. Nó không liên quan tới tiền bạc, không liên quan tới ngân hàng thì sẽ không sao hết.
Nhưng lúc đó tôi chưa nhận thức được số an sinh xã hội quan trọng đến chừng nào. Mất nó, mãi mãi không thể lấy lại được. Số đó dùng để mở thẻ tín dụng, cho con đi học, lấy tiền hoàn thuế, lấy tiền thất nghiệp,... Mỗi thông tin quan trọng nhất của một người như vậy, bị tôi lấy đi bán với giá 1$.”

Trước khi bị bắt, Hiếu bị “dụ” ra khỏi Việt Nam. Mật vụ Mỹ tìm cách liên lạc với anh qua một người bạn - một tên tội phạm mạng có tiếng đã bị kết án và đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra. Hiếu nói, lúc đó anh quá tham lam để có thể tỉnh táo. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi máy bay ở đảo Guam, Hiếu bị các đặc vụ Mỹ ập đến bắt giữ và sau đó đưa về Mỹ.
7 năm trong tù - Gánh chịu bản án lương tâm
Khi ra toà, Hiếu nhận được hơn 13.000 lá thư tố cáo. Anh đã bán được 3 triệu số an sinh xã hội ra ngoài và cho đến giờ, 3 triệu người này vẫn bị ảnh hưởng bởi hành động của anh. Và 40 năm tù dành cho Hiếu, ngay cả về phía anh, anh cũng thấy hoàn toàn đáng tội. Anh cần trả giá cho sự thiếu hiểu biết của mình.
Khi được hỏi điều gì làm Hiếu nhớ nhất trong thời gian lĩnh án, anh có kể một câu chuyện. Khi ở tù tại Texas, một người cảnh sát đến nói chuyện xã giao với anh. Người đó cũng không biết về án của anh như thế nào. Nhưng ông kể rằng mình có một người bạn rất tội, có chồng đi lính Iraq. Mới đây, cô ấy lại mất số an sinh xã hội không thể nhận trợ cấp, hoàn thuế...

“Khi tôi nghe tới đó, tôi tưởng tượng như từ trời xanh có người muốn nói với tôi điều gì vậy. Hành động của tôi đã hủy hoại tài chính, gia đình của họ như thế nào. Tôi không chắc cô ta có phải nạn nhân của tôi hay không, nhưng điều đó khiến tôi nghĩ đến 3 triệu người đã vì tôi mà khổ sở. Trước khi tôi rời khỏi trại đó, tôi đã gửi lời xin lỗi đến bạn anh ta.”
Sau khi ở tù 2 năm, do khai báo thành khẩn và cải tạo tốt, Hiếu được nhận sự khoan hồng và bản án giảm xuống còn 13 năm. Theo lời kể của Hiếu, các nhà chức trách Mỹ muốn anh “sử dụng đầu óc tội phạm để bắt tội phạm”. Thời gian tiếp theo, anh được đọc thêm sách học thêm nhiều thứ, thậm chí còn được học cả các khoá lập trình, được sử dụng máy tính và tham gia chia sẻ kinh nghiệm sống cũng như câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho các tù nhân khác. Nhờ đó, 13 năm tù cũng được giảm xuống, và sau khi ở tù tròn 7 năm, Hiếu được trả tự do.
Không có cột mốc nào nữa, cuộc đời từ bây giờ sẽ được làm lại - một cách trọn vẹn
Bằng các lời khuyên về chuyên môn và trực tiếp đứng ra tiếp cận con mồi, Hiếu đã giúp mật vụ Mỹ phá hàng chục vụ án về an ninh mạng. Có ít nhất 20 vụ bắt giữ thành công tội phạm mạng có sự tham gia của anh đã được ghi nhận. Gần đây, anh cũng làm công việc tương tự tại Việt Nam. Hiếu cho biết anh nhận công việc tại NCSC với một điều kiện duy nhất :”Tôi đã nói với người tuyển dụng rằng tôi muốn giúp đỡ cộng đồng. Phần còn lại tôi không biết”, anh chia sẻ.

Sau khi rời khỏi nhà tù, anh quay về Việt Nam và bắt đầu những bước đi “làm lại cuộc đời”. Hiếu PC từng không ngần ngại viết thông tin của mình là “cyphercriminal” (người đã phạm tội, có liên quan đến tin tặc). Khi được hỏi tại sao không ngần ngại che giấu việc mình đã từng là tội phạm máy tính, anh chỉ cười và trả lời: "Vì đó là một sự thật, mà sự thật thì đâu cần phải che giấu nữa đâu.”
Ngoài công việc ở NCSC, Hiếu cũng thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện, các trường đại học và các hội nghị. Anh có mặt ở đây để đưa ra lời khuyên về an ninh mạng, cũng như chia sẻ về câu chuyện của mình. “Tôi lẽ ra có thể làm được rất nhiều thứ từ các kỹ năng của mình, thay vì chạy theo đồng tiền, sống như không có linh hồn”, Hiếu nói.