Hoạt động trải nghiệm từ góc nhìn của người làm giáo dục: Phải nhìn vào thực tế để triển khai

TP
Theo chia sẻ từ một số thầy cô, trong quá trình triển khai môn học Hoạt động trải nghiệm, các cơ sở giáo dục phải đi từ thực tế kinh tế địa phương và phải có sự tham gia của phụ huynh.

Không đi xa vẫn có trải nghiệm hay

Trong các cuốn SGK Hoạt động trải nghiệm, các tác giả biên soạn sách đều nhấn mạnh, các nội dung của chủ đề đều có thể vận dụng linh hoạt gắn với điều kiện của mỗi địa phương và nhà trường. Cô Hoàng Tuyết, Hiệu phó một trường tiểu học tại Thanh Hóa chia sẻ với PV báo Đội: "Với tính chất là một trường miền núi, nhiều em học sinh là con em dân tộc ít người, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà trường thường tổ chức dạy Hoạt động trải nghiệm ngay trong trường để bồi dưỡng các kĩ năng sống cho học sinh".

Các hoạt động trải nghiệm phải phù hợp với thực tế địa phương và nhận được sự hưởng ứng của học sinh.
Các hoạt động trải nghiệm phải phù hợp với thực tế địa phương và nhận được sự hưởng ứng của học sinh.

Chia sẻ về hoạt động dã ngoại, cô Tuyết cho hay, nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài trường cho học sinh như tìm hiểu về thiên nhiên, thăm khu di tích, viếng nghĩa trang liệt sĩ. Tất cả các hoạt động đều được thực hiện ngay trong huyện, các bạn có thể tham gia trong 1 buổi sáng hoặc chiều, không ảnh hưởng đến việc học tập và tiết kiệm được chi phí cho nhà trường và các bậc phụ huynh. Số tiền phải đóng góp khoảng vài chục ngàn đồng, phù hợp với kinh tế của gia đình các em. Ngoài ra, nhà trường cũng có sự hỗ trợ nhất định cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn để tham gia vào hoạt động chung của tập thể.

Đồng quan điểm, cô T.H (giáo viên ở Quản Bạ, Hà Giang) kể, trước đây nhà trường cũng từng có ý định cho các em học sinh đi hoạt động trải nghiệm xa để khám phá. Tuy nhiên, đường xá ở vùng cao khó hơn đồng bằng với nhiều khúc cua và đường dốc. "Theo dõi tin tức, chúng tôi biết được đã có những tai nạn khi để học sinh đi trải nghiệm xa. Điều này làm các thầy cô lo lắng về sự an toàn. Do đó, Ban Giám hiệu quyết định chỉ để học sinh tham gia các hoạt động trong huyện. Cụ thể, các bạn học sinh được tham quan làng nghề dệt lanh tại địa phương, di tích lịch sử, thăm làng văn hóa để hiểu hơn về truyền thống để khám phá bản sắc dân tộc tại địa phương", Cô T.H kể.

Hoạt động trải nghiệm mang đến kiến thức, kĩ năng và cả niềm vui cho học sinh.
Hoạt động trải nghiệm mang đến kiến thức, kĩ năng và cả niềm vui cho học sinh.

Cô giáo vùng cao thông tin thêm, nhà trường có nhiều bạn học sinh là người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày,... Vì vậy, thầy cô đã hướng đến việc xã hội hóa các chương trình hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Nhờ sự kêu gọi đóng góp, trong các chuyến đi, nhà trường và các mạnh thường quân hỗ trợ tiền xe đi lại cho các bạn. Gia đình học sinh góp các chi phí ăn uống, tham quan. Do đó, mỗi chuyến đi trải nghiệm có kinh phí không quá nhiều, đảm bảo hoạt động giáo dục của nhà trường.

Cần sự ủng hộ và phối hợp của phụ huynh

Tại trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội), để học sinh hứng thú với các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường, các tiết học cần phải gắn với những điều quen thuộc hàng ngày và nhằm mục đích phục vụ cho chính cuộc sống, điều này giúp cho việc dạy và học trở nên hứng thú và nhẹ nhàng hơn. Thầy cô cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo như: Tổ chức trò chơi, câu lạc bộ, sân khấu hoá, hội thi, các hoạt động giao lưu…

Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử của các bạn học sinh trường THCS Nguyễn Trãi.
Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử của các bạn học sinh trường THCS Nguyễn Trãi.

Cô giáo Bùi Thị Hải Như, giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: "Trong các hoạt động, nhà trường phối hợp với các lực lượng giáo dục như Đoàn - Đội, phụ huynh học sinh, các đơn vị kết nghĩa… tổ chức các chương trình hoạt động trải nghiệm bổ ích. Mặt khác, để hoạt động trải nghiệm thú vị, trường Nguyễn Trãi cũng đã xây dựng kế hoạch cho những chuyến học tập, trải nghiệm thực tế thực tế".

Trong các tiết học hoạt động trải nghiệm, thầy cô có vai trò dẫn dắt, kích thích sự sáng tạo, khám phá và phát huy năng lực bản thân của học sinh; tổ chức các hoạt động giúp các bạn luôn đam mê, hào hứng; rèn luyện cho học sinh kĩ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch, phân công công việc, quản lí tiến độ công việc…

Đặc biệt, nhà trường còn phối hợp với huynh để tổ chức các “Tiết học cùng cha mẹ”. Phụ huynh các lớp làm ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đến chia sẻ với các con những kĩ năng, kinh nghiệm thực tế. "Ví dụ phụ huynh làm trong ngành y chia sẻ với các em cách phòng chống bệnh tật như sốt xuất huyết, Covid-19,...; có lớp phụ huynh hướng dẫn học sinh chế biến các món ăn như làm bánh trung thu, nấu một món ăn ngày Tết; phụ huynh là công an hướng dẫn kĩ năng thoát hiểm khi gặp hoả hoạn… Những tiết học cùng cha mẹ mà các lớp đã tổ chức rất bổ ích, học sinh vô cùng hứng thú và luôn nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình", cô Hải Như nói.

Nữ sinh trường Nguyễn Trãi chụp ảnh cùng cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hương Giang trong một hoạt động trải nghiệm.
Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hương Giang chụp ảnh cặp hoa "hot trend" khi đi dã ngoại cùng học sinh.

Cô Phạm Thị Hương Giang - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi nhấn mạnh: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là phối hợp với phụ huynh kiến tạo một không gian an toàn, phù hợp, hấp dẫn để tổ chức các hoạt động thú vị, bổ ích cho học sinh, giúp các em vừa được chơi vừa được học, rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng cần thiết. Đó là các địa chỉ đỏ, các khu sinh thái gần gũi với thiên nhiên".

Như vậy, để có một môn học Hoạt động trải nghiệm thành công phải có nhiều yếu tố: tình hình thực tế của nhà trường và địa phương, những ý tưởng sáng tạo của giáo viên, đồng hành của phụ huynh học sinh và sự tham gia tích cực của các bạn học sinh. Từ đó, môn học mang đến cho học trò những kiến thức mới về xã hội và thế giới xung quanh, kĩ năng sống, định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân.

 

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hoạt động trải nghiệm từ góc nhìn của người làm giáo dục: Phải nhìn vào thực tế để triển khai tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.