Báo Dân trí đưa tin, học sinh bậc THCS ở quận 3 (TP.HCM) vừa trải qua môn thi học kỳ môn Giáo dục Công dân với sự hứng khởi, thích thú khi đề thi môn học vốn có tiếng hàn lâm, khô khan này đặt ra rất nhiều vấn đề thời sự của đời sống.
Đề Giáo dục Công dân khối 9 ở Q.3, TPHCM đề cập đến các vấn đề về hối lộ, tham nhũng và câu chuyện tặng vàng của gia đình cụ Trịnh Văn Bô
Ở khối 9, đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn từ 7-10 câu nêu lên suy nghĩ của bản thân về việc hiến tặng hơn 5.147 lượng vàng cho cách mạng của gia đình cụ Trịnh Văn Bô và bày tỏ lòng biết ơn đối với người có nghĩa cử của gia đình cụ.
Cũng trong đề này, ở câu hỏi khác cũng đặt ra vấn đề thời sự nóng bỏng, bức xúc về tình trạng nhiều người thu lợi từ việc mua hàng giả, tham nhũng, nhận hối lộ… đem về phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ già. Họ nghĩ đó là cách để 'báo hiếu' với cha mẹ.
Từ thực tế trên, đề đưa ra câu hỏi cho học sinh: “Việc làm trên thể hiện lòng hiếu thảo có hợp lý không? Vì sao? Em hãy liên hệ với bản thân mình bằng những việc nên làm và việc không nên làm để báo hiếu với cha mẹ ngay ở hiện tại và cả tương lai".
Ở khối 8, đề trích đoạn kèm hình ảnh trong bài báo “Bác bảo vệ được hàng ngàn học sinh cúi chào hàng ngày” đăng tải trên báo Dân trí làm dữ liệu.
Đề trích dẫn: “Có lẽ, một trong những hình ảnh đẹp nhất về môi trường học đường trong thời gian qua phải kể đến clip học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cúi chào bác bảo vệ trước cổng trường trước giờ vào học. Hình ảnh chân thật do một phụ huynh quay lại đã được chia sẻ trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt với những lời khen ngợi, những niềm vui về lễ nghĩa của học của ngôi trường chuyên nổi tiếng ở TPHCM”.
Đề Giáo dục Công dân khối 9 ở Q.3, TPHCM đề cập đến các vấn đề về hối lộ, tham nhũng và câu chuyện tặng vào của gia đình cụ Trịnh Văn Bô
Từ đó, đề thi đặt ra học sinh học sinh rút ra bài học cho bản thân. Ngoài ra, đề đặt ra tình huống, nếu học sinh đọc bài báo và xem clip trên trên mạng xã hội thì sẽ viết lời bình chia sẻ như thế nào.
Một câu hỏi khác của đề Giáo dục Công dân lớp 8 đưa ra ví dụ trong bài giảng của thầy giáo: "Một bác sĩ giỏi, một giáo viên giỏi cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình với đồng nghiệp để cùng cứu chữa bệnh nhân, giúp cho nhiều học sinh tiến bộ...". Là một học sinh có sức khỏe, trí tuệ thì em chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh như thế nào để tâm hồn mình ngày càng tốt đẹp hơn".
Cô Phạm Thị Trang, phụ huynh có con học lớp 9 Trường Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết: "Con tôi về nhà hớn hở cho biết đề kiểm tra môn Giáo dục Công dân khiến cháu rất thích vì có liên quan đến những vấn đề thiết thực của cuộc sống".
Báo Thanh niên cho biết, kết thúc thời gian làm bài kiểm tra, học sinh Nguyễn Khánh Vân, Trường THCS Lê Quý Đôn, cho hay: “Mình cảm thấy đề bài gần gũi với cuộc sống chứ không còn là những kiến thức cần phải trả bài như trước đây. Nếu sau này, đề kiểm tra thường xuyên ra theo xu hướng này thì chúng mình không phải học thuộc lòng...”.
Một hiệu trưởng trường THCS tại Q.3 nhận xét rằng: “Đề Giáo dục công dân năm nay rất mang tính thời sự, sát với đời sống thực tiễn, do đó, học sinh dễ trả lời hơn, khắc sâu hơn được bài học cho bản thân qua quá trình làm bài. Bên cạnh đó, đề thi mang tính giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh rất tốt. Tuy nhiên, đề hơi dài so với thời gian làm bài, buộc học sinh phải cố gắng hoàn thành bài làm nhanh chóng".
Duy Minh (tổng hợp)