SGGPO đưa tin, nhiều ngày qua, hàng trăm học sinh trường THCS Cao Thắng (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) phải đi học bằng thuyền trên sông Cái và chui hầm đường sắt tới trường vì cầu gỗ Phú Kiểng bị tháo dỡ do ảnh hưởng của mưa bão. Việc đi lại này rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
Ghi nhận của PV, tại nhiều khu vực dọc hai bên dòng sông Cái, nhiều phụ huynh đã dùng thuyền để đưa con em mình và nhiều học sinh khác qua sông để đến trường. Tuy nhiên, các học sinh không hề được trang bị áo phao, thuyền nhỏ mà lại chở rất đông nên rất nguy hiểm. Thêm vào đó, việc chui hầm đường sắt cũng rất nguy hiểm khi có tàu chạy qua.
Trao đổi với báo chí, cô Trương Thị Kim Liên, Hiệu trưởng trường THCS Cao Thắng (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), hiện có gần 150 em trong tổng số hơn 600 học sinh của trường đang chịu ảnh hưởng bởi việc không có cầu qua sông Cái để đến trường.
Nhiều học sinh đi đò đến trường nhưng không mặc áo phao
“Khi có thông tin không có cầu, nhà trường đã cấm học sinh đi thuyền và chui hầm đường sắt. Đồng thời liên hệ với gia đình học sinh để có kế hoạch đưa đón các em theo đường vòng”, cô Liên cho biết.
Báo Phapluat.vn cho hay, theo UBND xã Vĩnh Ngọc, năm 2001, do nhu cầu bức thiết của người dân, lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc đã vận động 1 doanh nghiệp đứng ra làm cầu gỗ dài 400m cho người dân đi lại và có thu phí.
Cầu Phú Kiểng nối liền các thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 với 5 thôn khác của xã. Đây còn là lối đi tắt qua trung tâm TP.Nha Trang của các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa lũ, cây cầu gỗ này lại bị cuốn trôi, nếu không chủ nhân phải tự tháo dỡ để giữ cầu.
Nhiều học sinh trường THCS Cao Thắng cho biết, từ khi cầu bị tháo dỡ, các bạn muốn đến trường phải đi vòng qua trung tâm TP.Nha Trang mất gần 20km. Do quá xa nên hầu hết đều chọn cách đi tắt là chui qua đường hầm đường sắt để đến lớp.
“Đi qua đường hầm, chúng em rất sợ vì trong đó quá tối, nhưng buộc phải đi vì không còn cách nào khác. Nếu hôm nào đi muộn không may gặp tàu, chúng em sẽ núp vào một bên hầm để tránh. Sợ lắm nhưng chẳng còn cách nào khác”, em Nguyễn Văn Thành (học sinh lớp 6) cho biết.
“Từ khi cầu bị tháo dỡ, em phải đi học sớm hơn gần 40 phút so với thường lệ vì đi vòng và khi đến đường sắt phải chờ các anh lớn hơn dắt xe qua giúp. Nhiều hôm trời nắng đến trường rất mệt, còn trời mưa thì sách vở ướt nhẹp. Tụi em chỉ mong có cây cầu kiên cố để đi học thuận tiện, chứ như bây giờ thì vất vả lắm”, em Phan Văn Nam (học sinh lớp 6) bộc bạch.
Học sinh phải chui qua hầm đường sắt nguy hiểm để đến trường
Trong khi đó, 1 số gia đình tổ chức thuê thuyền để chở các em qua sông ngay điểm cầu Phú Kiểng bị sập. “Con tôi cũng đi học nên tiện đưa các cháu luôn. Một ngày 3 buổi sáng, trưa, chiều đưa các cháu. Chi phí thì thống nhất các hộ góp tiền dầu, tôi bỏ công”, phụ huynh Nguyễn Văn Khoa (ngụ thôn Xuân Ngọc) cho biết.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các học sinh đi trên thuyền đều không được trang bị áo phao, ngồi chen chúc nhau trên một con thuyền nhỏ, không có phương tiện bảo hộ an toàn đường thủy. Các phụ huynh cho hay việc đi thuyền tiềm ẩn nguy hiểm nhưng phải chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Nam (phụ huynh một học sinh ở thôn Xuân Ngọc) cho biết: “Ai cũng có công việc, nếu đưa con đi học bằng xe máy thì phải đi vòng, rất xa, trong khi giờ giấc của chúng tôi không cho phép. Nhiều hôm đưa con xuống thuyền xong, thấy trời chuyển mưa, về nhà chỉ cầu mong con sang bên kia bờ an toàn”.
Lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc cũng cho biết, hiện chưa có kế hoạch về việc lắp lại cầu gỗ vì còn theo dõi tình hình mưa bão. Để giải quyết tình hình này, xã đang đề nghị một khu du lịch mở lối đi gần đường sắt để cho các em qua lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, về lâu dài xã kiến nghị nên xây một cây cầu lớn bắc qua sông Cái.
Được biết, cầu gỗ Phú Kiểng dài khoảng 400 mét, bắc qua sông Cái (đoạn chảy qua xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang). Mỗi mùa mưa bão, cầu gỗ này thường bị nước lũ cuốn trôi hoặc được tháo dỡ để đảm bảo an toàn. Mỗi khi không có cầu đi lại, hàng trăm học sinh lại chui đường hầm tàu hỏa để men theo đường sắt đến trường. Nếu đi đường vòng, các em phải đi gần 20km, trong khi từ nhà tới trường chỉ cách một con sông.
Minh Anh (tổng hợp)