Đánh quay là trò chơi dân gian đi vào ký ức của nhiều thế hệ. Nhưng khoan, đừng vội cho rằng nó chỉ là dĩ vãng bởi những cuộc chơi đánh quay vui nhộn đã, đang và sẽ tiếp diễn ở mảnh đất vùng cao huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đến đây rồi, bạn sẽ thấy những khác biệt độc đáo với trò đánh quay.
Gìn giữ nét văn hóa dân gian
Tìm về mảnh đất bình yên, tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa Bình Liêu vào dịp lễ hội văn hóa các dân tộc (thường diễn ra vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 hằng năm), du khách sẽ được chứng kiến những màn so tài “đỉnh cao” của các bà, các mẹ ở trò đánh quay.
Năm 2024, huyện Bình Liêu lần đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc gắn với Hội Soóng Cọ (hát xướng, giao duyên) của người Sán Chỉ, Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán và Ngày hội di sản Then của người Tày tại nhiều xã trên địa bàn. Dịp lễ hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Giải thi đấu bóng đá nam - nữ Sán Chỉ huyện Bình Liêu; Giao lưu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (trong đó có đánh quay) v.v...
Với trò đánh quay, chỉ cần một bãi đất nhỏ rộng vài chục mét vuông, bên bờ ruộng, sườn đồi, hay bờ suối là có thể vui với những con quay xoay vòng đầy hấp dẫn. Vì lẽ đó mà “môn thể thao dân dã” này từ lâu đã trở nên gần gũi ở các thôn, bản của đồng bào Sán Chỉ. Không chỉ nam giới, gần như phụ nữ Sán Chỉ nào ở Bình Liêu cũng biết đánh quay. Nhiều bà, nhiều mẹ còn chơi quay thuộc hàng “tuyệt đỉnh”!
Đánh quay (còn gọi là “đánh cù” hoặc “đánh gụ”), là một trò chơi phổ biến ở hầu hết các địa phương của nước ta. Đây là trò chơi ngoài trời chủ yếu dành cho các bé trai nhưng tất cả mọi người đều có thể chơi được. Đánh quay còn có những tên gọi khác tùy theo vùng miền. Cách chơi: Người chơi dùng sợi dây quấn quanh con quay từ dưới lên trên, tư thế cầm sẵn con quay trên tay. Khi nghe hiệu lệnh, người chơi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó thắng cuộc. |
Những con quay diệu kỳ
Điều đặc biệt hơn cả chính là ở kích thước con quay. Nó thường to bằng cả thân cây gỗ đường kính khoảng 20cm. Gỗ đẽo quay phải là gỗ cứng (thường là gỗ dẻ, gụ). Người đẽo phải có bàn tay khéo léo để con quay tròn đều, xoay được lâu (có khi kéo dài cả chục phút).
Luật chơi quay cũng tương tự như luật chơi cù của trẻ em đồng bằng. Người đánh quay phải dùng lực toàn thân để đánh quay xuống đất, người tiếp theo tìm cách chọi trúng vào con quay của đối thủ để khiến nó ngừng quay. Nếu đánh trượt sẽ đợi con quay nào xoay tròn lâu hơn thì người đó thắng.
Con quay xoay tròn được ví như sự xoay vần của cuộc sống và đất trời, nên người đàn ông giữ được con quay quay lâu chứng tỏ là người biết xoay theo thời thế, đảm bảo cuộc sống trong gia đình. Những năm gần đây, trò chơi dân dã này lại có sự góp mặt của phái nữ. Tuy cả nam và nữ đều chơi đánh quay, nhưng thường chia 2 đội riêng biệt, bởi đàn ông thường có sức vóc mạnh mẽ hơn.
Cô Trần Thị Hà (ở thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cười rất tươi nói với phóng viên báo Đội: “Không chỉ riêng dịp lễ hội mà ngày thường phụ nữ ở các thôn cũng đánh quay. Như khi chiều đến, gặt hái mùa màng xong xuôi, các bà, các mẹ lại tụ tập ở bãi đất rộng để chơi môn này”.
“Hầu hết phụ nữ trong thôn chúng tôi đều biết chơi. Chị em cũng muốn thể hiện là người khéo léo, không thua kém nam giới trong việc xoay vần để lo cho cuộc sống gia đình” - cô Trần Thị Làu (thôn Nặm Tút, xã Lục Hồn) cũng hào hứng chia sẻ.
Vậy đấy, những con quay không đơn thuần là khúc gỗ được cắt gọt để làm đồ chơi mà giờ đây như một vật giúp kết nối người dân trong thôn bản thêm gần gũi, thêm niềm vui trên mảnh đất quê hương. Ngắm những vòng quay xoay tít diệu kỳ, những tiếng cười sẽ xua tan đi mọi vất vả, lo toan của cuộc sống, chỉ còn lại niềm hứng khởi về một tương lai tốt đẹp hơn…
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |