Không gửi trẻ cho trường tư, phụ huynh sẽ gửi con vào đâu?

Thúy Quỳnh
Sau vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non tư thục bị phát hiện vừa qua, một lần nữa hồi chuông báo động về an toàn nhà trẻ lại được gióng lên. Vậy nhưng, nếu không gửi trẻ ở trường tư, phụ huynh sẽ gửi con ở đâu?

Báo Lao động đưa tin, tại TPHCM, theo kế hoạch của chính quyền TP, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ triển khai 22 dự án xây dựng trường mầm non dành cho con công nhân tại các KCN-KCX, hiện đã có 14 dự án được hoàn thành.

Năm học 2016-2017, TPHCM đưa vào hoạt động 3 trường mầm non dành cho con công nhân đang làm việc ở các KCX-KCN gồm: Trường Mầm non Hoàng Yến (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức), Trường Mầm non Hoa Đào (phường Linh Trung) và Trường Mầm non KCX Tân Thuận (quận 7).

Có lẽ TPHCM đã rất cố gắng. Tuy nhiên, với số lượng có hạn và một nhu cầu vô hạn, số lượng con công nhân được gửi vào các trường này như giọt nước bỏ bể.

Những công nhân rời bỏ làng quê vào miền Nam, tìm đến những miền đất hứa, ngày đêm vắt kiệt sức trong những nhà máy và đổi lại là một tương lai mờ mịt với tiền lương không đủ sống, không đủ lo cho con mình một chỗ ở tốt, một chỗ học đàng hoàng. Những người lao động nhập cư, con cái của họ luôn luôn phải xếp hàng sau những đứa trẻ có hộ khẩu tạm trú ở thành phố khi xin vào học ở các trường công lập.

Cực chẳng đã, các trường công, họ chẳng muốn phân biệt những đứa trẻ “hộ khẩu” với những đứa trẻ “tạm trú” nhưng các trường vẫn phải lựa chọn. Bởi trường lớp, chỗ ngồi có hạn, họ không thể “bao” hết tất cả những đứa trẻ là con của công nhân ngoại tỉnh.

Xã hội hóa công tác giáo dục, trường tư thục, dân lập, nhóm trẻ gia đình ra đời là nhu cầu tất yếu bởi nếu không có những nơi này, con công nhân biết gửi ở đâu?

Nhiều công nhân khi thấy con mình sợ hãi khi nhắc về “đến trường” rồi rùng mình ớn lạnh khi thấy những clip các bảo mẫu hành hạ những đứa trẻ, đôi khi trong đó có cả con mình. Nhưng sau đó thì sao? Những công nhân còn lựa chọn nào khác để gửi con không?

Không thể quản lý theo kiểu “phát hiện bảo mẫu bạo hành rồi đóng cửa nhà trẻ” rồi sau đó là “cho rà soát lại tất cả nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ” như cách làm bấy lâu nay. Trong khi chúng ta loay hoay nghĩ cách quản lý, nhà trẻ thiếu thốn thì ngoài kia, bao nhiêu đứa trẻ sẽ là nạn nhân tiếp theo của những vụ bạo hành?

Theo dân trí đưa tin, trong cuộc họp khẩn với các sở, ngành và địa phương về vấn đề bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu bày tỏ sự thất vọng: “Hành động quá dã man, kinh khủng. Không biết người giữ trẻ có phải là con người hay không? Tôi không hình dung nổi hành động đó xảy ra ở người phụ nữ. Dùng dao dọa, cầm đồ đập rất dã man. Chúng ta không thể ngồi yên trước hành vi tội ác đó”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết rất trăn trở và buồn vì vụ việc lại xảy ra trong bối cảnh TPHCM đang chờ Trung ương phê duyệt đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em”.

“Chúng ta rất tự hào, vinh dự là đơn vị duy nhất của Việt Nam được UNICEF chọn để thực hiện đề án. Cách đây 2 tuần, tôi báo cáo với UNICEF rất hồ hởi, phấn khởi. Thế mà bây giờ hành động của bảo mẫu như là tạt gáo nước lạnh vào thành phố. Tổ chức này sẽ suy nghĩ như thế nào về ngành giáo dục thành phố, công tác quản lý các điểm giữ trẻ, chăm sóc trẻ em...?”, bà Thu bức xúc.

Bà Thu chia sẻ, ngoài kinh phí của thành phố thì UNICEF cũng viện trợ một phần cho đề án để trẻ em tại thành phố được cư xử và chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng.

“Đề án này, ngoài kinh phí thành phố thì còn có sự hỗ trợ của UNICEF. Trẻ em được đối xử công bằng, dù là nhập cư hay là trẻ sống tại TPHCM, dù con nhà giàu hay xuất phát là con nhà nghèo thì đều được cư xử và hưởng dịch vụ như nhau, chăm sóc sức khỏe như nhau...”, bà Thu chia sẻ.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Không gửi trẻ cho trường tư, phụ huynh sẽ gửi con vào đâu? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.