Theo BGR, kính viễn vọng không gian James Webb đã chụp được một hình ảnh ngoạn mục khác của Tinh vân Orion, hay còn gọi là Messier 42. Nằm ở phía nam vành đai Orion, Tinh vân Orion là một trong một số thiên thể vũ trụ đang hình thành sao và có chứa một cụm sao Trapezium Cluster nằm ở gần phần lõi. Hình ảnh mới nhất của Webb mang đến cho nhân loại một góc nhìn rộng lớn hơn rất nhiều về Orion, cung cấp nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết để các nhà thiên văn học nghiên cứu.
Giờ đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một kiểu hình thành hành tinh mới không nên tồn tại và họ gọi chúng là Jupiter Mass Binary Objects, hay JuMBOs. Những JuMBOs này về cơ bản là các vật thể trôi nổi tự do được phát hiện trong Tinh vân Orion có khối lượng gần bằng Sao Mộc.
Sự lung linh tuyệt đẹp trong hình ảnh mới nhất về Tinh vân Orion.
Hơn nữa, hàng chục vật thể này đang quay quanh nhau và các nhà khoa học không thể biết chính xác rằng chúng hình thành như thế nào hoặc thậm chí tại sao chúng tồn tại ngay từ đầu. Samuel Pearson, một nhà khoa học của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, người thực hiện các quan sát, cho biết rằng các vật thể mới được phát hiện thông qua những hình ảnh mới nhất của Webb về Tinh vân Orion.
Ngoài ra, Pearson nói rằng có điều gì đó chưa ổn trong cách hiểu của giới khoa học về cách hình thành của hành tinh và sao, hoặc thậm chí cả hai. Vì họ không thể giải thích được tại sao hoặc làm thế nào những vật thể hành tinh này lại tồn tại từ ban đầu.
Các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu nói rằng loạt hình ảnh mới nhất của Webb là những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất mà họ từng chụp về Tinh vân Orion. Đồng thời, nó cũng mang đến thêm hy vọng giúp nhân loại khám phá thêm về phần bí ẩn và được nghiên cứu kỹ lưỡng này của vũ trụ.
(theo TT&CS)