
Leo P nằm cách Trái Đất khoảng 5,3 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Sư Tử (Leo). Đây là một trong số ít thiên hà nguyên thủy vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi các cụm thiên hà lớn như Dải Ngân Hà hay thiên hà Tiên Nữ. Điều này khiến Leo P trở thành một "hóa thạch sống", mang đến cơ hội hiếm có để nghiên cứu vũ trụ sơ khai.
Từ trước đến nay, các thiên hà khổng lồ như Dải Ngân Hà không hình thành ngay từ đầu mà lớn lên nhờ sự va chạm và hợp nhất của các thiên hà nhỏ hơn. Tuy nhiên, một số thiên hà lùn như Leo P lại tồn tại độc lập suốt hàng tỷ năm, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về quá trình tiến hóa vũ trụ.
Dù được phát hiện từ năm 2013, Leo P chỉ thực sự gây bất ngờ khi JWST quan sát và phát hiện nó vẫn đang hình thành các ngôi sao mới. Theo các mô hình vũ trụ hiện tại, những thiên hà nhỏ và biệt lập như Leo P thường ngừng tạo sao sau khoảng một tỷ năm từ Vụ Nổ Lớn (Big Bang), trong thời kỳ gọi là "Kỷ nguyên tái ion hóa".
Giai đoạn này đánh dấu sự xuất hiện của những siêu tân tinh đầu tiên, giải phóng bức xạ cực tím mạnh mẽ khiến khí hydro trung tính bị ion hóa, xóa bỏ "sương mù" che phủ vũ trụ sơ khai.
Tuy nhiên, hình ảnh từ JWST cho thấy Leo P không chỉ hình thành sao từ rất sớm mà còn trải qua một giai đoạn ngủ yên trước khi "tái sinh" sau vài tỷ năm. Khi so sánh với ba thiên hà lùn biệt lập khác, các nhà khoa học nhận thấy chỉ có Leo P phục hồi hoạt động tạo sao, đặt ra câu hỏi lớn: Điều gì đã giúp nó "sống lại" trong khi các thiên hà khác thì không?
Để tìm lời giải, JWST sẽ tiếp tục theo dõi bốn thiên hà lùn biệt lập khác, nhằm khám phá thêm về cơ chế hình thành sao theo thời gian. Nếu hiểu rõ hiện tượng này, giới thiên văn học có thể mở ra những hiểu biết mới về cách vũ trụ tiến hóa và phát triển từ thuở sơ khai.