Gần bước sang tuổi thứ sáu, tôi mới được đi học mẫu giáo. Lớp học là một ngôi nhà của người dân trong làng, rộng rãi hơn các nhà khác và cách nhà tôi khoảng hai cây số.
Ngày đầu tiên tôi đi học. Mẹ dậy từ rất sớm, nấu cơm, hâm lại nồi cá rô đồng. Không cần mẹ phải gọi như mọi khi, tôi tự mình thức dậy ngay sau khi nồi cơm của mẹ vừa lên mùi thơm dịu. Mẹ bảo: “Hôm nay con đi học nên phải ăn thật no”!
Hai mẹ con cùng nhau đi bộ trên những con đường đất đỏ bazan đã đanh lại như đá vì trời nắng kéo dài. Mới đầu, mẹ dắt tay tôi bước từng bước trên những cọng rơm vàng vừa qua mùa gặt. Càng về sau. mẹ càng bước đi nhanh hơn như đang mãi đuổi theo những lo toan cho mùa gieo hạt tới. Tay ôm khư khư chiếc ghế gỗ bé xíu, gắng hết sức mình cho kịp bước chân của mẹ. Khi đến lớp, quần áo và cả chiếc ghế gỗ đã nhem nhuốc mồ hôi. Đôi dép nhựa mới màu trắng đã ngã sang màu nâu nhạt, màu chiếc áo độc nhất của những con đường quê tôi.
Thật bất ngờ, cô giáo của lớp học chưa có bàn, chưa có bảng, chỉ có những chiếc ghế con con do mỗi học trò tự mang theo. Cô giáo là cô Chín, một người phụ nữ không có chồng con ở xóm trên. Cô ôm những đứa học trò lấm lem bùn đất, tro bụi vào lòng như để cảm nhận vị đồng, vị sông, vị khói…của mùa đốt đồng nhạt nhòa khói sương.
Nếu các bạn khác làm tôi phân vân vì gọi cô Chín là cô Thu Hiền, thì ngược lại các bạn ấy cũng thực sự không hiểu vì sao thỉnh thoảng vô tình tôi lại gọi cô giáo là cô Chín. Cô Chín yêu tôi hơn những bạn khác trong lớp không phải vì tôi học giỏi, không phải vì tôi sạch sẽ, gọn gàng hơn các bạn khác mà vì tôi lớn tuổi hơn, đầu tóc vàng hoe, làn da và hơi thở nồng nàn vị nắng…
Cuối mỗi tuần, tôi đều được lên bảng cắm cờ và nhận một phiếu bé ngoan, không phải dành cho đứa trẻ ngoan hiền, không phải dành cho đứa trẻ học giỏi mà đơn giản chỉ là: “Mỗi tuần, một mình vượt quãng đường xa tới lớp học đã là một điều đáng khen ngợi và con xứng đáng nhận một phiếu bé ngoan vì điều đó”.
Cứ thế, con đường đến trường của tôi được cô bồi đắp mãi. Tuy học tập không đạt kết quả như các bạn khác nhưng nhờ có bàn tay và tâm hồn cô mà hành trình tới trường của tôi không phải dừng lại ở những con đường màu nâu có những sợi rơm vàng sau mùa thu hoạch.
Bây giờ, tôi đã là học trò của một trường trung học cơ sở khang trang nằm ngay trung tâm của một thị trấn sầm uất. Mỗi ngày đi học với chiếc xe đạp sáng bóng, trên con đường có hai hàng bằng lăng đã kết những chùm quả xinh xinh.
Tôi rất thích bộ đồng phục học sinh, quần đen với áo trắng được ủi thẳng thớm, thơm tho… Mỗi ngày đến trường, đối với tôi đều là một niềm vui, một kỷ niệm đáng nhớ. Có khi vì điểm chín, điểm mười mà tôi thường xuyên đạt được, có khi vì một lời khen của cô giáo, hay đơn giản chỉ là vì tôi vừa làm được một điều nho nhỏ giúp cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn trong lớp có thêm niềm tin, thêm nghị lực vào cuộc sống… Mặc dù vậy, cái ngày đầu tiên đi học trên con đường đất lúc sang thu với chiếc ghế gỗ trong tay ấy thực sự là một kỷ niệm, một dấu ấn quan trọng và đáng quý nhất trong cuộc đời tôi.
Bắt đầu bằng con đường đất, bắt đầu bằng cái lớp học, không có bàn ghế, không có bảng đen… chỉ có cô và trò ấy mà những ước mơ tuổi thơ của tôi đang dần hiện ra theo năm tháng. Một tương lai tươi đẹp và đầy hi vọng đang hé mở theo những cố gắng trong học tập, những nỗ lực trong rèn luyện và lao động…
Nguyễn Ánh Tuyết Trinh
(Lớp 9/5, trường THCS Nguyễn Du, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)