Năm ngoái, nhiều người từng rất bất ngờ khi thấy lá bàng khô được rao bán rầm rộ với giá 1.000 đồng/lá mà đây lại là loại lá khá phổ biến ở Việt Nam. Các tiểu thương sau đó đã lên tiếng cho rằng lá bàng khô có tác dụng chữa lành vết thương, giúp giữ sạch nước và ngăn chặn một số loại vi khuẩn, nấm mốc cho bể cá. Lá bàng khô khá hữu ích trong việc nuôi cá cảnh.
Đến năm nay, khi độ hot của lá bàng khô giảm dần thì lá bàng tươi lại tiếp tục lên sàn thương mại điện tử khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Giá bán của mỗi kg lá bàng tươi không hề rẻ, lên tới 80.000 đồng/kg. Thậm chí, có nơi còn rao bán với giá 100.000 đồng/kg.
Vậy lá bàng tươi có tác dụng "thần kỳ" gì mà lại được bán với giá cao như vậy? Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng lá bàng chứa nhiều tanin, flavonoid, phytosterol,... Các chất này giúp giảm viêm nhiễm và giúp vết thương mau lành.
Đặc biệt, hoạt chất tanin của lá bàng được tận dụng như thuốc sát khuẩn và chống mưng mủ cho những vết thương ngoài da. Chính vì những thành phần có lợi này mà người bệnh có thể dùng lá bàng để đắp ngoài da hoặc nấu nước tắm hàng ngày.
Khi dùng lá bàng chữa bệnh sẽ giúp sát khuẩn vị trí da bị tổn thương, tăng cường tốc độ phục hồi của da, đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy, bệnh nổi mề đay, nổi mụn,... Đồng thời, các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ trên da cũng giảm bớt sau một thời gian áp dụng.
Ngoài ra, thành phần của lá bàng chứa rất nhiều các kháng khuẩn, sát khuẩn tự nhiên cực kỳ mạnh mẽ. Vì thế rất hiệu quả trong việc điều trị cảm sốt, nhiệt miệng, bị trĩ, đau dạ dày,…
Tuy nhiên việc sử dụng lá bàng còn tùy thuộc vào phần lớn cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người. Vì vậy trước khi sử dụng, người dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh bệnh thêm trầm trọng. Nếu trong quá trình sử dụng gặp các vấn đề nghiêm trọng, người dùng nên dừng lại và gặp bác sĩ để kiểm tra.