Làm gì để bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19?

Hà Anh
Việc giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19 đã kiềm chế sự lây lan của virus, song cũng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, nghèo đói… Vậy, chúng ta cần làm gì để bảo vệ trẻ em trong những hoàn cảnh hạn chế như hiện nay?

Các vấn đề đặt ra

Đại dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho các quốc gia trên toàn thế giới trong việc bảo vệ trẻ em. Một ví dụ điển hình là đất nước Nam Phi. Việc phong tỏa tại quốc gia này đã cản trở nhiều hộ gia đình kiếm sống, đặc biệt là những hộ nghèo làm các ngành nghề không chính thống, đóng cửa các trường học và cả chương trình ECD đang cung cấp lương thực cho 10 triệu bạn nhỏ, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực, làm tăng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

Nếu chúng ta không chú ý đến tất cả các khía cạnh để các bạn nhỏ phát triển khỏe mạnh trong đại dịch, nó sẽ để lại những hậu quả lâu dài. (Ảnh:Roxy Klein)

Nhiều gia đình và những người nuôi dạy trẻ em tại đây chỉ có thể trông cậy vào gói hỗ trợ của Chính phủ với số tiền ít ỏi. Hơn 40% các bạn nhỏ ở Nam Phi được nuôi dạy bởi những người mẹ đơn thân. Việc giãn cách xã hội khiến họ phải tự chăm sóc con cái hoàn toàn. Đáng báo động hơn, những tình trạng trên đang góp phần làm gia tăng mức độ căng thẳng và bạo lực trong các hộ gia đình.

Tại Việt Nam

Tính đến giữa tháng 4, gần 5 triệu công nhân Việt Nam bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không có thu nhập, cha mẹ phải xoay xở đủ mọi cách để đảm bảo bữa ăn cho con em mình được phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và trí tuệ.

Từ đầu tháng 2, lệnh giãn cách xã hội đã khiến cho việc học tập của hơn 21 triệu học sinh Việt Nam bị ảnh hưởng. Khi các cơ sở giáo dục bắt đầu triển khai việc dạy và học trực tuyến, những vấn đề mới lại nảy sinh. Ở một số khu vực khó khăn, việc không tiếp cận được thiết bị phục vụ cho quá trình học trực tuyến khiến nhiều bạn nhỏ phải đi lao động sớm. Trong khi đó, ở những khu vực có điều kiện tốt hơn, học sinh có thể truy cập vào các thiết bị này lại có nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng.

Ngoài ra, Việt Nam có hơn 6 triệu trẻ em khuyết tật, cùng với trẻ em nghèo, trẻ em di cư, trẻ em dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có nhiều nguy cơ bị bạo lực, bị bóc lột, bị mua bán và xâm hại trong đại dịch này.

Ảnh: Kiều Diễm – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Làm thế nào để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho trẻ em?

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã rất nỗ lực và đạt được những thành quả nhất định trong công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng, các bạn học sinh đã quay trở lại với trường lớp và thầy cô. Tuy nhiên, để đảm bảo cho các bạn nhỏ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta cần quan tâm và thực hiện đồng bộ những giải pháp thiết thực như:

Ở góc độ xã hội và các tổ chức, cần trợ cấp để các gia đình có tiền mua thực phẩm dinh dưỡng, để bảo vệ trẻ em khỏi nghèo đói, tổn thương và thiếu dinh dưỡng, giúp trẻ em có thể phát triển hết tiềm năng của mình, cũng như được chăm sóc y tế và được tiếp cận các dịch vụ khác.

Bà Rana Flowers – Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đề xuất: “Cần khẩn trương có những chính sách tài chính mạnh mẽ để tiếp tục cung cấp những dịch vụ xã hội có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và với giá hợp lý. Đó là, chính sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm duy trì học tập cho tất cả trẻ em trong đó có trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật và trẻ em gái; cho Bộ Y tế bảo đảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng - các hoạt động tại cơ sở như tiêm chủng định kỳ, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, và theo dõi tăng tăng trưởng và dinh dưỡng; cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường nước sạch và vệ sinh tại cộng đồng, cơ sở y tế và trường học, đặc biệt là ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để quy định những dịch vụ bảo vệ trẻ em nào là thiết yếu để những dịch vụ này phát huy chức năng tại các trung tâm cách ly và bệnh viện, đồng thời cải thiện hoạt động chuyển tuyến qua đường đây điện thoại nóng và ứng phó cho phụ nữ và trẻ em”.

Về phía nhà trường, cần đảm bảo các biện pháp bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại lớp học, cũng như giảm tải chương trình học, giảm bớt số lượng các bài kiểm tra để tránh gây áp lực học tập, căng thẳng cho học sinh.

Về phía gia đình, cha mẹ cần chăm lo cho sức khỏe, dạy các bạn nhỏ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng và hạn chế đưa con cái đến những nơi đông người. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng con, quan tâm, để ý đến cảm xúc, tâm lý của các bạn nhỏ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Làm gì để bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.