Lạm phát gia tăng khiến trẻ em Sri Lanka phải bỏ học vì đói

Bảo Bối
Trong nhiều tháng qua, tại một trường công lập ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, chuyện trẻ em ngất xỉu giữa lớp không còn hiếm gặp.

Học sinh Sri Lanka đến trường với chiếc bụng đói do cha mẹ không đủ tiền mua thức ăn còn đất nước tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái.

Giáo viên Sandarenu Amarasiri cho biết: “Phụ huynh không đủ tiền mua thịt, trứng và sữa cho con cái. Từ tháng này, nhà trường đã bắt đầu cung cấp bữa trưa cơ bản cho học sinh nhưng mọi chuyện không dễ dàng khi giá thực phẩm tăng cao”.

Tại làng Mahavita, Yakkala, cách Colombo gần 32 km, các bà mẹ tuyệt vọng vì không thể chuẩn bị những bữa ăn ngon lành cho con cái. Chị Wasanthi Jennifer, 43 tuổi, cho biết không có đủ tiền dù chỉ mua một bó rau để nấu bữa trưa cho con trai 15 tuổi.

Lạm phát gia tăng khiến trẻ em Sri Lanka phải bỏ học vì đói - Ảnh 1Trẻ em Sri Lanka đến trường với chiếc bụng đói

“Tôi đau lòng khi nhìn con ăn cơm với rau. Cháu ăn mọi món tôi nấu mà không hề phàn nàn. Chúng tôi phải cố gắng sống qua ngày và thậm chí không thể mua đồng phục mới cho con”, chị Jennifer bày tỏ.

Để tiết kiệm tiền, ngay sau khi con tan học về nhà, bà mẹ sẽ giặt bộ đồng phục và phơi lên để sáng hôm sau, con có quần áo sạch. Khi giày của con bị rách, chị Jennifer phải vay tiền hàng xóm để mua một đôi mới với giá cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại các vùng nghèo đói phía Bắc Sri Lanka, số lượng trẻ em Sri Lanka nghỉ học ở nhà ngày một tăng do gia đình không đủ tiền mua thực phẩm. Nhiều quan chức địa phương, giáo viên đã đến tận nhà thuyết phục cha mẹ các em nhưng họ lắc đầu từ chối. Hiện nay, một bữa ăn trong ngày cũng là vấn đề lớn với họ.

Chị Ishanka Maduwanthi, 34 tuổi, sống tại Yakkala, cho biết không còn có thể đóng học phí cho con trai 5 tuổi và con gái 9 tuổi. Trước đây, chồng chị làm công việc hành chính nhưng giờ đã mất việc vì khủng hoảng.

Gia đình 4 người hiện sống qua ngày với cơm, đậu lăng và khế. Nếu được nhận tiền ủng hộ, chị Maduwanthi có thể mua trứng 2 lần trong tháng để cung cấp thêm protein cho con cái.

“Đôi khi con gái tôi cảm thấy muốn ngất xỉu và đau bụng dữ dội. Nhưng tôi đang làm tốt nhất có thể”, bà mẹ cho biết.

Theo chỉ số giá tiêu dùng Colombo, vào tháng 9/2022, lạm phát lương thực tại Sri Lanka đạt mức kỷ lục là 94,9%. Điều này đồng nghĩa các gia đình không đủ khả năng chi trả những thực phẩm cơ bản như gạo, gia vị. Rau và thịt trở thành món đồ xa xỉ, không thể mua nổi.

Kể từ đầu năm 2022, Sri Lanka, quốc gia từng phát triển mạnh, đã sụp đổ. Tham nhũng, đại dịch và những quyết định kinh tế sai lầm đã đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng. Nước này không còn dự trữ ngoại tệ để nhập các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.

Do đó, tình trạng thiếu điện, thiếu lương thực và đóng cửa trường học đã trở thành vấn đề chung của đất nước 22 triệu dân. Trẻ em Sri Lanka là đối tượng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất.

90% người dân Sri Lanka sống dựa vào các nguồn tài trợ nhà nước nên tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng khắp cả nước. Theo Save the Children, 2/3 gia đình tại đất nước này đang vật lộn để tự kiếm ăn.

Ông George Laryea-Adjei, Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á, cho biết: “Trẻ em Sri Lanka phải ôm bụng đói đi ngủ, không biết bữa ăn tiếp theo sẽ đến từ đâu”.

(Theo GD&TĐ/The Guardian)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lạm phát gia tăng khiến trẻ em Sri Lanka phải bỏ học vì đói tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Đưa golf vào dạy trong nhà trường: Nên hay không nên?

Mới đây, một số trường học tại Hà Nội đã bắt đầu đưa golf vào giảng dạy trong tiết giáo dục thể chất nhằm giúp học sinh làm quen với môn thể thao này. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều, bởi đây được coi là môn thể thao "quý tộc" có mức đầu tư đắt đỏ.

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội vừa thông qua việc cấm toàn diện đối với việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, có hiệu lực từ năm 2025 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.