Lễ cúng ông Công ông Táo là lễ cúng quan trọng trong dịp Tết cổ truyền ở nước ta. Theo quan niệm dân gian, ông Công, ông Táo là các vị thần bếp (Táo quân) trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Để các vị thần bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, các gia đình thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.
Thời gian cúng ông Công ông Táo
Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi nơi trên cả nước lại có một cách chuẩn bị khác nhau.
Tại miền Bắc, lễ cúng ông Công ông Táo được tiến hành từ khá sớm, không nhất thiết phải đúng vào ngày 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 20, muộn nhất là 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Tại miền Trung, thời gian cúng ông Công ông Táo là đêm 22, rạng ngày 23 âm lịch.
Tại miền Nam, người dân thường làm lễ vào buổi tối, từ 20h - 23h. Người miền Nam cho rằng vào cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp thì mới được tiễn ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.
Những lễ vật cúng ông Công ông Táo
Bên cạnh mâm cỗ cúng, lễ vật cũng rất quan trọng, gồm:
3 chiếc mũ Táo quân: 2 chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, 1 chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả 3 mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ.
Ở nhiều nơi, người ta chỉ sử dụng 1 chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành.
Để đơn giản, cũng có khi chỉ cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công (có 2 cánh chuồn) lại kèm theo 1 chiếc áo và 1 đôi hia bằng giấy.
Những đồ vàng mã này (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ, sau đó, lập bài vị mới cho Táo Công.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, mâm cúng Táo Quân còn có 1 con gà luộc nữa.
Ngoài ra, để các Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người dân sẽ cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Sau khi đã cúng xong, cá chép sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).
Ở miền Trung, người dân cúng 1 con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Miền Bắc
Mâm cỗ cúng ngày lễ ông Công ông Táo gồm các món ăn truyền thống như xôi, gà, giò, chả, canh măng, nem... Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng ở nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ sẽ có xôi chè, thường là chè bà cốt, nấu bằng nếp cái, xôi vò, đường nâu và gừng.
Miền Trung
Một số vùng như Huế và Hội An có tục cúng tượng đất Táo quân và dựng cây nêu sau ngày 23 tháng Chạp. Bộ tượng đất có đầy đủ đồ cúng, hoa tươi, hoa quả, đặt tượng mới và tượng cũ cạnh nhau. Mâm cơm phải có cá thu hoặc cá ngừ.
Miền Nam
Do có sự giao thoa văn hóa nên mâm cúng của người miền Nam cũng có sự tương đồng với người miền Bắc. Ngoài những món mặn chủ đạo như: nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc..., người miền Nam có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen...
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.