Mới đây, các nhà thiên văn học Kính viễn vọng không gian XMM Newton thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) khi thăm dò thiên hà có tên là Markarian 817 (Mrk 817), nằm cách chòm sao Draco 430 triệu năm ánh sáng, đã phát hiện ra một lỗ đen siêu lớn đang nổi cơn thịnh nộ trên quy mô khắp thiên hà chủ.
Theo các chuyên gia, lỗ đen siêu lớn này có khối lượng gấp từ hàng triệu đến hàng tỷ lần khối lượng Mặt trời. Lực hấp dẫn cực lớn của lỗ đen này làm nóng vật chất khí và bụi, khiến nó phát sáng giữa trung tâm thiên hà chủ. Ngoài ra, từ trường mạnh khiến vật chất khi rơi vào lỗ đen này sẽ bị nổ tung với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Elias Kammoun, thành viên nhóm và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Sapienza của Rome, nói với trang Space.com rằng: “Rất hiếm khi quan sát được những cơn gió lỗ đen cực khủng có đủ năng lượng để thay đổi đặc tính của thiên hà chủ. Phát hiện này cung cấp nhiều bằng chứng chứng minh rằng, hoạt động của các lỗ đen khổng lồ trung tâm đóng vai trò then chốt trong việc định hình, và ảnh hưởng đến sự tiến hóa của thiên hà chủ. Tuy nhiên, các điều kiện để kích hoạt sự hung hăn của lỗ đen này vẫn chưa rõ ràng lắm, vì vậy phải cần nghiên cứu thêm”.
Ngoài ra, các chuyên gia vẫn chưa thể biết những lỗ đen siêu lớn đến từ đâu, và làm thế nào chúng có thể tích lũy được khối lượng khổng lồ đến như vậy.
Điểm mấu chốt là sự tiến hóa của các lỗ đen siêu lớn vẫn đang được tranh luận sôi nổi. Con người thậm chí còn không biết liệu chúng có hình thành theo cùng một cách hay không, hay có nhiều cơ chế khác nhau đang hoạt động.
(Theo: Space/Earthsky)