"Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền".
Đó là những câu thơ trích trong bài "Nói với em" của Vũ Quần Phương. Hình ảnh quả thị, cô Tấm có lẽ không ai là không biết đến qua câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Và cứ thế, nó đã trở thành một phần kí ức không thể thiếu của bất kì người Việt nào.
Ấy thế nhưng, nghe nhắc suốt đến tên quả thị và những câu gọi "thị ơi thị, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn" nhưng có một sự thật là không phải ai cũng từng ăn loại quả này. Thậm chí, có những người còn chưa từng thấy tận mắt. Mới đây, khi có 1 đoạn clip chia sẻ về quả thị, rất nhiều cư dân mạng mới bộc lộ ra sự thật này.
"Ăn có vị sao hả mọi người? Cho em biết cảm nhận với", "Nói thật là dù biết quả thị nhưng mình chưa ăn bao giờ", "Trái gì vậy mọi người? Mình chưa nhìn thấy bao giờ thật",... là những bình luận của cư dân mạng. Và cận cảnh quả thị trong truyện Tấm Cám đây!
Thật ra, quả thị thường được để trưng trong nhà bởi mùi của nó rất thơm. Cũng chính vì thế, bà lão trong truyện cổ tích Tấm Cám mới chỉ để ngửi chứ không ăn. Ấy vậy mà với nhiều đứa trẻ, ăn thị lại là điều vô cùng thích thú.
Trẻ con ngày trước còn hay được bà, được mẹ đan cho những chiếc giỏ bằng dây. Sau đó thả quả thị vào bên trong, xách đi chơi như một "vật báu" đáng tự hào. Mỗi khi được ai mua cho quả thị là ngắm nghía, nâng niu để trong nhà và chờ mãi tới ngày thị chín. Quả thị xanh thì hơi chát nhưng nếu đã chín hẳn là lúc toả ra mùi hương ngào ngạt nhất, cũng chính là lúc ăn ngon nhất.
Mặc dù ngày bé, nhiều người lớn hay trêu trẻ con rằng quả thị "ăn vào thối mồm". Thế nhưng điều đó cũng không làm cho chúng ngưng tò mò mà vẫn muốn ăn thị cho bằng được.
Bên trong quả thị giống ruột quả hồng, ăn mềm mềm, dẻo dẻo. Hạt thị to và cứng hơn hạt hồng. Thị chín ăn thơm lừng, ngọt đậm vô cùng thú vị. Dù vậy, người ta khuyến cáo rằng không nên ăn quá nhiều, không ăn quả xanh và không ăn lúc đói vì không tốt cho sức khỏe.