Indochine (Đông Dương) là một bộ phim do Pháp sản xuất và lấy bối cảnh tại Việt Nam những năm 1930 - 1950. Phim kể về Eliane (Catherine Deneuve) - một phụ nữ Pháp có cha là chủ đồn điền cao su lớn tại Việt Nam. Eliane theo cha tới Việt Nam sống và nhận Camille (Phạm Linh Đan) làm con. Camille là một cô gái Việt xuất thân từ dòng dõi vua chúa nhưng không may mắn mồ côi cả cha lẫn mẹ, sau khi được nhận nuôi, cô sống cùng mẹ là Eliane tại Sài Gòn.
Ở độ tuổi xuân thì, Camille ngày càng xinh đẹp, cô phải lòng Jean Baptiste. Tuy nhiên chuyện tình rạo rực, cháy bỏng đã bị Eliane ngăn cản bởi Jean Baptiste là một sĩ quan người Pháp và trước đó cô đã có mối nhân duyên với Thành (Eric Nguyễn).
Kết hôn với Thành, nhưng trái tim của Camille lại thuộc về Jean Baptiste, cô ngày đêm nhung nhớ đến người tình. Thậm chí khi nghe tin Jean bị điều đến Hạ Long làm việc, Camille còn bỏ trốn ra bắc để tìm tình yêu đích thực. Đây có lẽ là quyết định đã làm thay đổi cuộc đời cô.
Từ bối cảnh cho tới nội dung, trang phục, tạo hình nhân vật Indochine (Đông Dương) đều thể hiện một cách chân thực và gần gũi với đời sống nhân dân Việt Nam thời bấy giờ. Tham dự giải liên hoan phim Oscar, Indochine (Đông Dương) được đề cử và đã giành chiến thắng ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Nữ diễn viên Phạm Linh Đan, người thủ vai Camille khi đó mới 17 tuổi cũng đã được đề cử giải César cho vị trí Nữ diễn viên triển vọng
Có lẽ Indochine (Đông Dương) là một trong những bộ phim hiếm hoi về Đông Dương không đặt nặng yếu tố chiến tranh mà chỉ nhấn mạnh vào tình yêu, tuy nhiên nó vẫn có nhiều giá trị mà không bao giờ bị mất đi theo thời gian. Đó chính là giá trị lịch sử của bộ phim, khi mọi thứ vận động theo thời gian, xã hội Đông Dương đã không còn thì tất cả những gì liên quan đến văn hóa con người đến tập tục, xã hội được tái hiện lại trên phim đều trở nên vô cùng quý giá.
Một số bình luận của các bạn trẻ Việt trước những hình ảnh của bộ phim Indochine:
- Đúng là nhà sản xuất người Pháp, phim tinh tế từ nội dung cho tới hình ảnh
- Nhìn hình mà ngỡ ngàng, như được mở mang tầm mắt về văn hóa Việt vậy.
- Màu phim quá đỉnh cho dù được sản xuất ở thập niên 90. Nhìn sang không chịu được.
- Pháp đã nghiên cứu và lưu trữ tài liệu văn hóa, lịch sử Việt Nam tốt quá.
- Nhờ bộ phim mà mình mới hiểu được xã hội thời ông cha của mình diễn ra như thế nào.
Nguồn: Facebook Sài Gòn vi vu