Mưa thì phổ biến quá rồi nhưng bạn đã bao giờ gặp hiện tượng cũng là mưa nhưng rơi xuống không phải nước mà là thịt, cá, thậm chí cả nhện chưa? Nghe thì rất vô lý nhưng đã có hiện tượng này xảy ra ngoài đời thực rồi đấy và cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải.
Cùng xem thế giới đã đón nhận những cơn mưa dị thường nào nhé!
Mưa cá
Những trận mưa cá từng được ghi nhận là đã xảy ra tại các thành phố ven biển trên khắp thế giới từ California (Mỹ), Mexico tới Anh đến Ấn Độ.
Có một số giả thuyết cho rằng, có những trận mưa cá là do khi xảy ra giông lốc, gió xoáy đã hút nước từ hồ hoặc đại dương, nhấc hàng loạt cá lên không trung. Sau đó, gió đưa cá vào trong đất liền, rồi thả chúng xuống rớt đất. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định đây là giả thuyết mang tính khoa học thực sự tin cậy.

Mưa thịt
Năm 1876, cơn mưa ngang qua cánh đồng ở Bath, County, Kentucky, Mỹ không trút nước xuống mà chỉ gồm toàn những tảng thịt. Một số người nếm thử thịt rơi xuống từ "cơn mưa" nhưng không thể nhận ra được chúng là thịt cừu hay thịt nai.
Một nhà phân tích đã kết luận rằng đây thực chất không phải là thịt, mà là một loại vi khuẩn đóng băng thành dạng miếng thịt, sau đó rơi xuống như mưa. Một số người khác lại cho rằng chúng là phân chim. Đến nay, trận mưa thịt vào năm 1876 vẫn là một bí ẩn chưa thể lý giải.

Mưa ếch
Mưa ếch đã từng xảy ra từ năm 1873 ở bang Missouri (Mỹ) với số lượng hàng nghìn con khiến người dân bản địa ngỡ ngàng. Có bài báo đã mô tả mưa ếch như "đám mây đen kịt bao phủ khoảng rộng lớn" sau mưa bão ở Kansas, Missouri (Mỹ).
Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân xảy ra trận mưa ếch năm đó, chỉ có suy đoán của các nhà khoa học là những con ếch có thể bị một cơn bão cực mạnh cuốn chúng lên từ một đầm lầy nào đó.

Mưa nhện
Tại Australia vào năm 2015, hàng triệu con nhện nhỏ từ trên trời rơi xuống đã khiến người dân bản địa khiếp vía. Vào tháng 6/2021, các cư dân thuộc bờ Đông bang Victoria (Australia) cũng gặp cảnh tượng tương tự, khi chứng kiến những tấm mạng nhện được giăng rộng khắp các bãi cỏ và ven đường.
Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng có tên "gossamer", xuất hiện sau khi những loài nhện "thợ săn lang thang" bị mất nơi trú ẩn, và xuất hiện dày đặc tại một thời điểm nào đó trong năm.
Tuy nhiên, sự xuất hiện lên tới hàng triệu con nhện trên mặt đất là lời cảnh báo những dấu hiệu bất thường, cho thấy thế giới hoang dã đang bị ảnh hưởng trầm trọng, chúng tìm cách “chạy trốn” theo cách mà chúng ta chưa thể biết được.

Mưa dơi
Tháng 1/2018, hàng trăm con dơi chết đã rơi xuống khu vực Campbelltown, Australia sau khi khu vực này chịu cái nóng lên đến 44,2 độ C. Nhiều lý giải cho rằng những con dơi bị chết do sốc nhiệt. Tuy nhiên cho tới nay, đó chưa phải là kết luận chính xác.
Theo các tài liệu, dơi chịu được nhiệt độ khoảng 30 độ C. Nếu gặp nhiệt độ cao hơn, bộ não chúng sẽ nóng lên, khiến chúng mất khả năng điều khiển khi đang bay trên không trung và rơi xuống.

Mưa thằn lằn đóng băng
Người dân Florida năm 2008 chứng kiến cơn mưa kỳ lạ, đó là cảnh hàng trăm con thằn lằn đóng băng không rõ từ đâu rớt xuống mặt đất.
Có một điều đáng chú ý là, không phải tất cả những con thằn lằn được tìm thấy đều đã chết. Trên thực tế, người ta phát hiện ra nhiều cá thể bị đóng băng trong tình trạng lim dim, và có một số đã sống lại sau khi cơ thể của chúng ấm lên.
Thằn lằn thuộc nhóm máu lạnh, vốn dĩ là loài vật xâm lấn ở bang Florida (Mỹ). Chúng thích làm nhà trên các nhánh cây. Ron Magill, chuyên gia về động vật hoang dã kiêm giám đốc truyền thông của Sở thú Miami, cho biết: "Khi nhiệt độ hạ xuống, thằn lằn không ở trên cây nữa, nhưng vẫn còn nhà. Khi thời tiết ấm lên, chúng lại lên cây".

Mưa máu
Cơn mưa có phần kinh dị này xảy ra vào năm 2014. Người dân vùng Tây Bắc Tây Ban Nha nhận thấy nước chảy ra từ vòi chuyển sang màu đỏ. Màu đỏ không đọng lại trên tay, do tảo vi sinh trong nước mưa.
Các nghiên cứu khẳng định rằng "cơn mưa máu" do tảo nước ngọt có tên là Haematococcus pluvialis, sản sinh ra sắc tố đỏ.
