Nghịch cảnh hàng trăm trường ở tỉnh nghèo bị bỏ hoang

Nguyễn Hà
Những phòng học mới xây khang trang còn thơm mùi nước sơn ngày nào nay cỏ mọc um tùm, nứt nẻ xuống cấp.

Trường học thành… ​nơi chăn bò

Năm 2005, tỉnh Gia Lai tiến hành triển khai dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ nguồn vốn ngân sách, 1.005 phòng học kiên cố cùng nhà giáo viên, công trình vệ sinh được xây dựng tại 430 điểm trường trên địa bàn 10 huyện với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, ở nhiều điểm trường, phòng học vẫn không được đưa vào hoạt động. Cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp nhanh chóng. 

Ngay trên địa bàn TP.Pleiku, nhiều điểm trường cũng rơi vào tình trạng trên vì thiếu vắng học sinh. Điểm trường tiểu học Nay Der ở làng O Xơr (xã Ia Kênh, TP.Pleiku) nằm cách trung tâm TP.Pleiku chưa đầy 10km cũng đang bị bỏ hoang nhiều năm nay vì không có học sinh. Nhìn từ bên ngoài, ngôi trường được xây dựng từ năm 2001 vẫn giữ được vẻ khang trang, hiện đại. Thế nhưng, vào bên trong, khu vực hành lang, cầu thang... vô cùng nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng.

Điểm trường bị bỏ hoang vì không có học sinh theo học.

Dọc các hành lang, bùn đất vương vãi khắp nơi. Nơi đây, trừ các phòng học với bàn ghế, bảng đen còn khá mới do có khóa bảo vệ, còn lại không ai có thể hình dung khu vực này từng đón nhận hàng trăm em học sinh trong mùa khai giảng trước đây. Theo các thầy cô trong ban Giám hiệu nhà trường, nguyên nhân các phòng học bị bỏ hoang sau gần chục năm sử dụng là do không có học sinh để tổ chức lớp học.

Cũng giống như điểm trường tiểu học Nay Der, toàn bộ các phòng học của điểm trường tiểu học tại thôn 3, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) cũng “cửa đóng then cài”. Hàng rào bằng dây thép gai bao kín xung quanh trường. Trong khuôn viên trường, cỏ mọc um tùm. Ba phòng học được khóa trái, mái ngói bị tốc, cửa kính vỡ nát, bên trong phòng học, phân bò rải rác khắp nền nhà. Ngôi trường trông chẳng khác gì khu nhà hoang.

Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn, Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Phú Hòa phân bua: “Năm 2016-2017, điểm trường này chỉ huy động được 9 học sinh vào lớp 1. Không đủ học sinh để mở lớp nên các em chuyển về trường chính học. Sau đó, điểm trường này được dùng để mở một lớp mầm non. Năm học 2017-2018, chỉ có 3 học sinh lớp 1, không đủ để mở lớp, cũng không thể dùng làm trường mầm non nên phải đóng cửa”. Cũng theo thầy Ngoạn, điểm trường này đã được xây dựng từ rất lâu.

Tương tự, trường tiểu học Lê Quý Đôn, phân hiệu Linh Nham (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang) cũng nằm trong cảnh tượng hoang tàn, rách nát. Cỏ dại mọc khắp khuôn viên trường, che kín các lối vào phòng học. Phân hiệu này có tổng cộng 4 phòng học, trong đó 2 phòng được khóa kín cửa, đa số bàn ghế đều đã được đưa đi nơi khác. Một số bàn ghế vứt lại đã bị mục nát, hư hỏng hoàn toàn. Nền và trần phòng học đều bị xuống cấp nghiêm trọng. Một người dân địa phương cho biết, phân hiệu này đã được xây dựng cách đây nhiều năm nhưng mới bỏ hoang khoảng 3 năm nay.

Những phòng học xuống cấp trầm trọng.

Cùng chung hoàn cảnh, hầu hết các phòng trường tiểu học Ayun 2 phân hiệu Nhơn Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) cũng bị hư hỏng nặng, nhiều cửa sổ phòng học bị vỡ nát. Nền lớp học bị xới tung, trần phòng học bị mối mọt đục khoét, sụt xuống. Do không có học sinh nên từ nhiều năm nay, sân trường trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, làm nhà để xe, nơi chăn bò, bãi tập kết rác,... của người dân sinh sống trong khu vực.

Tỉ lệ sinh giảm nên học sinh đến lớp giảm

Ngoài những điểm trường trên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn hàng trăm điểm trường khác đang bị bỏ hoang do không có học sinh đến học. Cô Hồ Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Păh cho biết: “Phần lớn phòng học đang bị bỏ hoang là những điểm trường được xây dựng từ lâu theo dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các thôn, làng. Hiện nay, do chính sách dân số, cộng với nhận thức người dân từng bước được nâng cao nên người dân, nhất là bà con dân tộc ít người không còn sinh nhiều, sinh dày như trước đây nữa. Tỉ lệ sinh giảm khiến lượng trẻ em đến lớp giảm đáng kể. Do đó, một số điểm trường trên địa bàn huyện phải đóng cửa vì không có học sinh đến học”.

Theo thầy Bùi Quang Tạo, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, nguyên nhân một số điểm trường bỏ hoang, không sử dụng là do trước đây để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, Nhà nước đầu tư xây dựng trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi để học sinh dễ dàng đến lớp. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế phát triển, giao thông phát triển nên số lượng học sinh học tại các điểm trường có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, tại các điểm trường chính được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, quy mô được mở rộng nên hầu hết phụ huynh đều muốn đưa con tới trường trung tâm để có điều kiện học tập tốt hơn.

Về hướng xử lý các phòng học này, thầy Tạo cho biết: “Hiện, phòng GD&ĐT các huyện đã xin phép thanh lý (phá bỏ) 44 phòng học đã hết niên hạn sử dụng. 117 phòng bàn giao cho chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động phù hợp. Số còn lại sẽ tiến hành tu sửa để làm phòng học mầm non”. “Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện tham mưu, đề xuất quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất trong thời gian tới”, thầy Tạo nói.

Theo Người đưa tin

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nghịch cảnh hàng trăm trường ở tỉnh nghèo bị bỏ hoang tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Học sinh Hà Nội khám phá môi trường học tập mới

Năm học 2023-2024 sắp kết thúc là thời điểm các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn môi trường học tập mới cho con. Nắm được nhu cầu này, trường Đa Trí Tuệ (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã tổ chức tham quan môi trường học tập cho cha mẹ và con. Để từ đó, phụ huynh đưa ra quyết định chọn trường phù hợp.