Ngộ độc thực phẩm có khả năng “tấn công” con người sau mùa mưa bão

Châu Giang (Tổng hợp)
Mưa lớn xuất hiện ở Tây Nguyên và Nam Bộ trong một thời gian ngắn đã gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở và ngập úng nghiêm trọng. Hậu quả của nó còn ảnh hưởng lâu dài tới nguồn nước, gia tăng nguy cơ về ngộ độc thực phẩm.

Tại các vùng bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng nề, tạo nên các mầm bệnh dễ lây lan đến người dân. Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lụt, chưa có điều kiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm rất dễ xảy ra.

Bão lụt làm độ ẩm ướt của môi trường tăng cao, nhiệt độ thường từ 20 đến 35 độ C là vùng nhiệt độ thích hợp cho vi sinh vật phát triển. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai có thể kể đến là: Vibrio cholerae bệnh tả, Salmonella gây thương hàn, Shigella gây lỵ trực tràng, Bacillus anthracis gây bệnh than, bệnh tiêu chảy do vi rút, viêm gan A, E…

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc. Trong phần lớn các trường hợp, ngộ độc là nhẹ nhưng cũng có những trường hợp cần nhập viện khi các triệu chứng trở nên trầm trọng. Dưới đây là những triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm hoặc nguồn nước:

Sau khi ăn uống một số thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh thấy đột ngột có triệu chứng (sau vài phút, vài giờ, có thể sau 1 ngày): buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, tiêu chảy nhiều lần, có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ. Một dấu hiệu đáng báo động sau khi ăn gì đó là đau bụng nghiêm trọng và thậm chí có những cơn co rút ở khu vực bụng. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng thường nặng hơn rất nhiều.

Nếu nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm mày. Một triệu chứng phổ biến khác của ngộ độc thực phẩm là chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng. Triệu chứng này cũng có thể kéo dài trong vài giờ.

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng 2 ngón tay của chính bệnh nhân để móc họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn. Chú ý, khi bệnh nhân nôn để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu thì không gây nôn vì có thể làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật. Sau đó theo dõi bệnh nhân. Nếu thấy các triệu chứng nặng hơn thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

5 nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh

Thứ nhất, tuyệt đối không chế biến thực phẩm từ các động vật chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân. Tuy không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm như ngày thường, nhưng người dân vẫn có thể sử dụng những thực phẩm thay thế khác như: nước tương, muối lạc, muối vừng… là những loại thức ăn tuy đơn giản nhưng cũng đủ khả năng cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho cơ thể. Mít xanh luộc chín, đỗ làm đậu, các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả) chính là nguồn bổ sung thay thế rau xanh sau đợt lũ làm nguồn rau xanh bị cạn kiệt.

Thứ hai, Hộ gia đình cần phải chủ động dự trữ thực phẩm trong mùa bão lụt. Ví dụ gia đình có 4 người ăn, một trận lụt thông thường kéo dài khoảng 4-5 ngày thì chúng ta cần dự trữ khoảng 50-60 gói mì tôm. Ngoài ra phải dự trữ thêm muối ăn, nước chấm, rau củ, nước uống. Sau mỗi đợt lũ lại chuẩn bị lương thực cho đợt kế tiếp đến khi nào hết mùa lũ thì thôi.

Thứ ba, phải sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, nếu không có nước sạch thì chúng ta cần làm như sau: Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa dự trữ vào các dụng cụ chứa sạch sẽ để đun nước uống và nấu thức ăn.

Khi phải dùng nước sống, suối, hồ, ao hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn, phải làm trong nước bằng cách dùng phèn chua hòa vào với tỉ lệ 1 gram phèm chua/ 20 lít nước. Chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Trong trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.

Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi. Tại hộ gia đình, chloramine B dạng viên 0,25gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, xô, chậu…, một viên 0,25g dùng cho 25 lít nước. Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Một điều cần lưu ý tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lí bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.

Thứ tư, thực hiện ăn chín, uống sôi. Đây là biện pháp tốt nhất nhằm đề phòng chống ngộ độc và các bệnh lan truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ. Không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, méo.

Thứ năm, khẩn trương dọn vệ sinh môi trường sau bão lũ. Sau khi nước rút, mọi người cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm, cào quét bùn đất và phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Lau rửa sạch sàn nhà, thay rửa bể nước, rửa dụng cụ nấu ăn, bát đĩa rồi phơi khô phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ngộ độc thực phẩm có khả năng “tấn công” con người sau mùa mưa bão tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Khi đói cần tránh ăn những loại quả nào?

Trái cây là món quà của thiên nhiên dành cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa thời điểm ăn trái cây cũng quan trọng không kém việc chọn loại trái cây nào phù hợp với cơ địa của mỗi người.