Nhà văn Trình Quang Phú – hành trình 30 năm “Theo dấu chân Người”

Bảo Lâm
Giáo sư - Tiến sĩ Trình Quang Phú - “Ông nhà văn” đẹp như vị tiên ông ở tuổi 84 - vừa mới xuất bản và ra mắt cuốn sách về Bác Hồ mang tên “Theo dấu chân người” tại Thủ đô Hà Nội.

Trước đó, nhà văn Trình Quang Phú là tác giả của hàng chục đầu sách quý trong đó có những cuốn sách đặc biệt về Bác Hồ kính yêu như: “Miền Nam trong trái tim Người”, “Người là niềm tin”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến” và “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”. Riêng cuốn “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” đã được tái bản tới lần thứ 22.

Cuốn sách “Theo dấu chân Người” của nhà văn Trình Quang Phú
Cuốn sách “Theo dấu chân Người” của nhà văn Trình Quang Phú

Gần 600 trang sách và hành trình 30 năm của “Nhà tình báo”

Nhà văn Trình Quang Phú trước khi trở thành tác giả văn chương, ông là một nhà tình báo. Bởi vậy trong quá trình công tác ông đã đi nhiều nước, xâm nhập được vào các kho tư liệu của mật thám lẫn các kho tư liệu của các chính quốc. Để viết được cuốn sách trong đó vừa phác dựng được chân dung của Bác Hồ kính yêu thật dung dị với hành trình tìm đường cứu nước, vừa mang tầm vóc của một “bộ tư liệu sống động, đồ sộ”, nhà văn Trình Quang Phú đã phải thực sự theo chân Bác trong suốt hành trình bền bỉ 30 năm.

Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ về hành trình 30 năm để viết gần 600 trang “Theo dấu chân Người"
Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ về hành trình 30 năm để viết gần 600 trang “Theo dấu chân Người"

Từ chàng trai Nguyễn Tất Thành khi rời bến Nhà Rồng (ngày 5/6/1911) bôn ba năm châu bốn bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh Cách mạng giải phóng dân tộc rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (28/1/1941) – Dấu chân tìm đường cứu nước của Bác đi tới đâu, nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên bang Xô viết hay Trung Quốc… thì tác giả cũng tìm tới đó để sưu tầm, đối chiếu sau đó mới dựng lên tác phẩm của mình từ những góc nhìn mới.

Tính từ thời điểm bắt đầu tìm dữ liệu cho đến khi hoàn thành tác phẩm, nhà văn Trình Quang Phú cũng đã dành ra khoảng gần 30 năm để đi và ghi chép. Có những nước như nước Pháp, nước Nga tác giả phải trở đi trở lại hàng chục lần. Và ông bật mí: “Có lẽ điều xúc động và thôi thúc tôi là cả thế giới dù thể chế chính trị nào, họ cũng đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Bác...”.

Có thể nói, ở cuốn sách “Theo dấu chân Người” đã hội tụ đầy đủ công sức bền bỉ, sự nghiêm túc cũng như tầm vóc của một nhà văn, đồng thời ở đó bạn đọc còn thấy được công sức, tâm huyết và tình cảm kính trọng đặc biệt của tác giả đối với Bác Hồ.

Nhiều nhà văn, nhà phê bình và các bậc tướng lĩnh trong ngành Công an đã tới dự buổi ra mắt cuốn sách tại Nhà sách Trung tâm NXB Hội Nhà văn Việt Nam
Nhiều nhà văn, nhà phê bình và các tướng lĩnh trong ngành Công an đã tới dự buổi ra mắt cuốn sách tại Nhà sách Trung tâm NXB Hội Nhà văn Việt Nam

Cuốn sách từ lời hứa với "chú Tô" và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong buổi ra mắt sách tại Thủ đô, nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ: Cuốn sách này chính là lời hứa của ông với "chú Tô" - Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Ông nhà văn” đã xúc động kể rằng năm 1996, khi cuốn “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồngxuất bản, ông có mang đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông thường gọi "chú Tô".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắn nhủ ngay: Viết về tuổi thơ của Bác ở làng Sen tới lúc Người ra đi tìm đường cứu nước thì cũng rất hay, nhưng nên cố gắng viết về giai đoạn Bác Hồ ở nước ngoài tìm đường cứu nước.

Bởi kho tư liệu đó nếu không tìm kiếm, viết sớm thì sẽ bị mai một, sau này viết sẽ rất khó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói về những nỗi băn khoăn ấy, khiến ông Phú trăn trở, suy nghĩ rất nhiều để tìm cách thực hiện bằng được lời hứa với hai người học trò xuất sắc của Bác Hồ.

Cho nên giờ đây khi hoàn thành việc xuất bản cuốn sách ở tuổi 84, với nhà văn Trình Quang Phú, đó là việc đã hoàn thành trọng trách thật lớn trong sự nghiệp cầm bút của mình.

Những ghi nhận đầy trân trọng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Bằng thứ nghệ thuật kể chuyện chân thật, tài tình, giản dị và với tình yêu mãnh liệt với Bác Hồ, nhà văn Trình Quang Phú đã vượt qua những rào cản khi một nhà văn cầm bút viết về một nhân vật lịch sử vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chúng ta khi đọc cuốn sách này như được sống trong thời đại đó, được sống cạnh vĩ nhân đó và đó chính là phép màu của văn học. Tôi nghĩ rằng, những người đang sống hôm nay và những người của thế hệ sau sẽ biết ơn những nhà văn đã viết về những nhân vật lịch sử của dân tộc, trong đó có nhân vật đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về sức mạnh của văn chương khi các nhà văn để viết về Lãnh tụ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về sức mạnh của văn chương khi các nhà văn để viết về Lãnh tụ

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương, nhận định: “Rất là bền bỉ, bền bỉ một cách tự thân, tôi rất thích cái từ là cam đảm bền bỉ. Có thể nói rằng ông đã bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian, thậm chí bỏ cả tiền bạc để tìm kiếm tư liệu và tìm được những tư liệu cũng như tìm được những cảm giác chính xác nhất về Hồ Chí Minh. Điều này không phải nhà văn nào cũng làm được và có điều kiện làm được. Nhà văn Trình Quang Phú đã làm được điều ấy”.

Nhà văn Trình Quang Phú chụp ảnh cùng đại diện Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam
Nhà văn Trình Quang Phú chụp ảnh cùng đại diện Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một hình tượng vĩ đại trong sáng tạo văn học nghệ thuật, đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bác nên để viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ là rất khó. Nhưng tác giả Trình Quang Phú đã thành công, bởi ông đã có được một khối lượng tư liệu riêng rất đặc biệt và cách đi đặc biệt của riêng mình.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Nhà văn Trình Quang Phú – hành trình 30 năm “Theo dấu chân Người” tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Ngành Giáo dục Vĩnh Linh tổng kết 20 tháng thi đua cao điểm

Vừa qua, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua chào mừng 70 năm truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954 - 25/8/2024) và trao thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia năm học 2023-2024.

UPRACE 2024 - Tiếp nối "Hành trình hạnh phúc"

UpRace là dự án chạy bộ trực tuyến thường niên vì cộng đồng được VNG khởi xướng và bảo trợ kỹ thuật từ năm 2018. Tương ứng với mỗi km chạy bộ được ghi nhận trên ứng dụng UpRace, công ty VNG và các doanh nghiệp tài trợ cam kết quyên góp ít nhất 1.000 đồng cho các tổ chức xã hội.