Những chính sách mới, có hiệu lực năm 2024 dành cho các giáo viên

SH
Trong năm 2024, có 3 chính sách mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thầy, cô giáo. Đó là những quy định cụ thể nào?

Không cần sáng kiến vẫn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở

Trước đây, để đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì giáo viên bắt buộc phải có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận...

Giáo viên có thành tích trong dạy học, có đề tài khoa học có khả năng nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Giáo viên có thành tích trong dạy học, có đề tài khoa học có khả năng nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tuy nhiên từ ngày 01/01/2024, để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì giáo viên không còn bắt buộc phải có sáng kiến mà có thể thay bằng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đề tài khoa học. Cụ thể, giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 như sau: đạt chuẩn danh hiệu "Lao động tiên tiến"; hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.

Tăng lương cho giáo viên từ ngày 1/7/2024

Tại Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, chính sách cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã chính thức được thông qua và sẽ áp dụng kể từ 01/7/2024. Chính sách tiền lương mới từ 01/7/2024 sẽ giúp công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng tăng khoảng 30% mức lương trung bình.

Việc tăng lương sẽ giúp đảm bảo đời sống giáo viên, giúp thầy cô yên tâm công tác.
Việc tăng lương sẽ giúp đảm bảo đời sống giáo viên, giúp thầy cô yên tâm công tác.

Cụ thể, hệ số lương khởi điểm của đa số công chức, viên chức sẽ tăng từ 2,34 lên 2,68. Hệ số lương tối đa của công chức, viên chức cũng được tăng từ 10,0 lên 12,0. Ngoài lương cơ bản, công chức, viên chức sẽ có thêm khoảng 30% tổng quỹ lương dành cho các loại phụ cấp (có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng. Nếu tính tất cả bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức từ ngày 01/7/2024 có thể tăng đến hơn 32% so với thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương.

Từ năm 2025, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm để bù trượt giá. Chính sách tăng lương bù trượt giá sẽ thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Mặt khác, khi thực hiện cải cách tiền lương, mức lương của giáo viên có thể sẽ cao hơn so với mặt bằng công chức và viên chức khác - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cấp có thẩm quyền đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc, bảo đảm mặt bằng tiền lương chung và thể hiện ưu đãi đối với ngành này.

Tuyển dụng thêm giáo viên trình độ cao đẳng

Hiện nay, các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều yêu cầu giáo viên phải có bằng cử nhân, khiến rất nhiều địa phương gặp phải tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trước tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 361/VPCP-KGVX về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo chương trình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo đúng trình tự, thủ tục quy định; trình Chính phủ trong Quý I/2024.

Nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới sẽ tạo thêm nguồn tuyển dụng để các địa phương ngay lập tức lấp khoảng trống thiếu giáo viên, đáp ứng đủ đội ngũ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những chính sách mới, có hiệu lực năm 2024 dành cho các giáo viên tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.