Theo PGS.TS Trần Minh Điển (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương), 3 tháng gần đây, số mắc ho gà có xu hướng tăng, nhiều trẻ rất nhỏ. Cụ thể, tại BV Nhi Trung Ương, trong một tháng qua đã có hơn 30 ca mắc ho gà, trong đó nhiều trường hợp diễn biến nặng, 4 tử vong. Trước đó một tháng, bệnh viện cũng đã cảnh báo về tỉ lệ nhập viện cao do ho gà.
Ho gà là căn bệnh này rất nguy hiểm với trẻ, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho, bác sĩ phân tích.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, hàng năm trên thế giới có từ 30-50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người tử vong đa số là trẻ em dưới 1 tuổi.
Bệnh ho gà rất dễ lân lan chủ yếu qua đường hô hấp, truyền từ người sang người qua những hạt nước bọt nhỏ văn ra khi bệnh nhân ho hoặc qua dịch mũi.
Biểu hiện của bệnh ho gà
Biểu hiện bệnh ho gà thường trải qua ba giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn sớm
Thời gian: Kéo dài từ 1 đến 2 tuần.
Biểu hiện: Sốt nhẹ, xuất hiện ho khan, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi. Các biểu hiện này ngày càng tăng dần và có xu hướng hình thành ho theo cơn.
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của ho gà khá giống với cảm lạnh, cảm cúm thông thường nên rất ít người nghĩ tới việc bị mắc bệnh.
2. Giai đoạn kịch phát
Thời gian: Kéo dài từ 1 đến 6 tuần, có khi lên tới 10 tuần.
Biểu hiện:
- Xuất hiện những cơn ho kịch phát, bất chợt cả ngày và đêm.
- Ho liên tiếp không kìm được, ho rũ rượi, lưỡi đẩy ra ngoài, ho nhiều dẫn đếm tím tái mặt mày, thở rít như tiếng gà gáy.
- Cuối cơn ho thường thấy nhiều đờm dãi trong suốt, nôn, người bơ phờ, vã mồ hôi, thở nhanh, mặt phù nề và mi mắt phù mọng.
3. Giai đoạn hồi phục
Thời gian: Kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần.
Trong giai đoạn phục hồi các cơn ho ít và nhẹ hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn này rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp sau một thời gian dài mắc bệnh ho gà.
Biến chứng của bệnh ho gà
Ho gà có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Cụ thể, các biến chứng ở trẻ khi mắc bệnh ho gà như sau:
- Bệnh não: trong 300 trẻ có 1 trẻ bị bệnh về não.
- Ngừng thở: cứ 3 trẻ thì 2 trẻ có dấu hiệu ngừng thở.
- Viêm phổi: cứ 4 trẻ có 1 trẻ bị biến chứng viêm phổi.
- Bị co giật: trong 100 trẻ có từ 1-2 trẻ có triệu chứng co giật, run khó kiểm soát.
- Tử vong: trong 100 trẻ có 1-2 trẻ tử vong.
- Các biến chứng khác như: xẹp phổi, hạ đường máu, giãn phế quản, suy dinh dưỡng, chảy máu cam…
Cách phòng chống và điều trị
Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm văc-xin phòng bệnh ho gà (văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Đăng Kiên