1. Bắc Ninh (822,71 km2)
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước ta, thuộc Đồng bằng sông Hồng và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Việt Nam. Từ thời xưa, mảnh đất này đã là nơi phát tích của triều Lý - triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử - văn hoá kiệt xuất. Bắc Ninh còn được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam cũng như là quê hương của dân ca Quan họ.
2. Hà Nam (860,5 km2)
Nổi tiếng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Hà Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và làng nghề truyền thống. Trống đồng Ngọc Lũ - dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh Đông Sơn đã được phát hiện ở nơi đây.
Ngoài ra, các cố nhân đã để lại cho Hà Nam nhiều di sản văn hoá vật thể vô cùng quý giá khác như cuốn sách đồng Bắc Lý - một trong 4 cuốn sách còn nguyên vẹn nhất, nội dung phong phú nhất của cả nước; tấm bia "Sùng Thiện Diên Linh"; tấm bia "Đại Trị",...
3. Hưng Yên (926,0 km2)
Cái tên Hưng Yên với ý nghĩa của sự hưng thịnh và yên bình, vùng đất này đã phát triển với những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, nhờ sự ưu đãi của tự nhiên và sức người vun tạo. Hưng Yên xưa được biết đến qua Phố Hiến, đô thị phồn thịnh thứ hai của nước Việt một thời (Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến). Là mảnh đất có truyền thống hiếu học, nơi đây là quê hương của rất nhiều nhà khoa bảng và nhân sĩ yêu nước.
4. Vĩnh Phúc (1.238,6 km2)
Vùng đất Vĩnh Phúc từng giữ vị trí trung tâm của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, cùng với Phú Thọ là nơi sinh tụ đầu tiên của cư dân nước Việt. Dãy núi Tam Đảo ở tỉnh này là thắng cảnh nổi tiếng cũng là nơi phát tích tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Ở mỗi một thời kỳ lịch sử, trên đất Vĩnh Phúc đều có những bậc hào kiệt giúp nước, giúp đời làm rạng rỡ sử sách nước nhà.
Điển hình như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây được biết đến với những bước đột phá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đó là mô hình "khoán hộ" cho nông dân do Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng cùng thực tiễn sản xuất tại địa phương đã đóng góp những kinh nghiệm có giá trị đối với sự nghiệp đổi mới cơ chế kinh tế của toàn quốc.
5. Đà Nẵng (1.285,4 km2)
Được coi là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" cũng là thành phố du lịch mang tầm vóc quốc tế. Nơi đây hội tụ những yếu tố thu hút du khách cả trong nước lẫn ngoài nước đến khám phá, cảm nhận. Đa phần du khách đều muốn chọn nơi này làm nơi cư trú, ở mãi chẳng muốn về. Họ bị chinh phục bởi nét đẹp của Đà Nẵng, bầu không khí thư thái không quá xô bồ, cuộc sống bình dị nhưng không kém phần hiện đại. Đặc biệt là địa danh nổi tiếng và nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Bà Nà,...
6. Ninh Bình (1.378.1 km2)
Ninh Bình là mảnh đất di sản nổi tiếng với nhiều dấu tích liên quan trực tiếp đến các nền minh cổ ở Việt Nam như văn hóa Tràng An, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn. Nơi đây có cố đô Hoa Lư từng là kinh đô của ba Triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý.
Những đặc điểm về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và con người đã tạo cho vùng đất Ninh Bình một hệ thống các di tích phong phú và đa dạng. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An bao gồm rất nhiều di tích với những giá trị nổi bật về thiên nhiên và văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới hỗn hợp.
7. Cần Thơ (1.409,0 km2)
Là đô thị lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, Cần Thơ hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp bình dị của đời sống miền sông nước. Những điểm đến không thể bỏ qua ở mảnh đất "gạo trắng nước trong" này là chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, vườn cò Bằng Lăng, nhà cổ Bình Thủy…
8. Vĩnh Long (1.475 km2)
Nằm trọn trong lưu vực sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long mang những nét đặc trưng của thiên nhiên và văn hóa miền Tây. Nơi đây níu chân bao người bằng các miệt vườn rộng mênh mông, làng nghề truyền thống đặc sắc cùng sự nhiệt thành, hiếu khách của người địa phương.
9. Hải Phòng (1.527,4 km2)
Hải Phòng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời cũng có nhiều thắng cảnh đẹp. Các địa danh nên ghé thăm ở "thành phố Hoa phượng đỏ" là đảo Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn, di tích Bạch Đằng Giang, Bảo tàng Hải Quân, đền Nghè….
10. Thái Bình (1.570,5 km2)
Vùng đất phát tích của triều Đinh và triều Trần, Thái Bình được mệnh danh là "quê lúa, đất nghề". Đây chính là nơi nền văn hóa lúa nước đã phát triển rực rỡ trong sử Việt. Di sản của nền văn hóa này là nhiều đền chùa cổ và sự thịnh hành của nghệ thuật chèo, múa rối nước.