Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt

Minh Hồng
Đây là những phong tục truyền thống được người Việt làm trong dịp Tết Nguyên đán với hy vọng khởi đầu một năm mới an lành, may mắn, thành công.

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán - một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Đây là thời điểm bắt đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với hi vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công.

Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt - Ảnh 1

Là dịp lễ đã tồn tại trong văn hoá người Việt hàng nghìn năm nay, Tết Nguyên đán có nhiều phong tục truyền thống, mang ý nghĩa quan trọng, được người Việt gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Cùng chúng mình khám phá những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt nhé!

Lễ cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo là lễ cúng quan trọng trong dịp Tết cổ truyền. Theo quan niệm dân gian, ông Công, ông Táo là các vị thần bếp (Táo quân) trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Để các vị thần bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, các gia đình thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. 

Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt - Ảnh 1
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Thăm mộ tổ tiên

Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp, con cái trong gia đình sẽ tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn phần mộ tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Dọn dẹp, trang trí nhà cửa 

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp cuối năm, nhà nhà đều dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp để đón Tết. Tất cả các đồ dùng trong gia đình, từ ghế ngồi, bàn thờ... đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới.

Trên tường treo những câu đối hoặc tranh tết. Trong nhà đặt các lọ hoa với đủ màu sắc tươi mới như cúc vàng, hoa hồng... hoặc những cây quất, cây đào, cây mai,…

Bên cạnh đó còn có mâm ngũ quả được bày lên trên bàn thờ. Các loại trái cây được bày lên thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới với những điều tốt lành.

Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt - Ảnh 1

Lễ Tất niên

Chiều 30 Tết, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm tươm tất cúng tổ tiên ông bà. Chủ nhà sẽ thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới.

Cùng với mâm cơm, không thể thiếu bánh chưng xanh, mâm ngũ quả. Không chỉ giúp không gian cúng thêm ấm cúng, hài hoà, rực rỡ, mâm ngũ quả còn thể hiện sinh động ý tưởng triết lý – tín ngưỡng – thẩm mỹ và là nơi gửi gắm ước nguyện của mỗi gia đình.

Lễ Giao thừa

Đêm Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất năm. Vào thời điểm này, các gia đình sẽ làm lễ cúng giao thừa hay còn gọi lễ Trừ Tịch được thực hiện vào khoảng từ 11 giờ đêm ngày 29 tháng Chạp. 

Đây là một phong tục cực kỳ quan trọng vào ngày Tết cổ truyền của người Việt, đánh dấu tiễn đưa một năm cũ và chào đón năm mới thuận lợi, may mắn hơn. Bên cạnh đó cúng giao thừa còn có ý nghĩa tưởng nhớ công đức của cha ông và mời gọi tổ tiên về nhà ăn Tết.

Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt - Ảnh 1

Tục xông nhà

Theo phong tục, cứ đến đêm Giao thừa, mọi người trong gia đình thường ở trong nhà không đi đến nhà khác để đợi có người đến xông nhà, rồi mới được đi chúc tết nhà khác. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới. Tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng, vì thế trước tết chủ nhà thường chọn người quen biết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.

Phong tục chúc Tết, mừng tuổi

Đây là 2 phong tục lâu đời thể hiện mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Vào ngày đầu tiên của năm mới, con cái sẽ chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.

Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người đến chúc tết anh chị em, bà con họ hàng, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến. Khi chủ nhà được chúc tết thường tiếp đãi người đến chúc tết ăn uống để thể hiện thành ý và tình thân với nhau.

Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt - Ảnh 1

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.