Nở rộ văn hóa đọc miền quê lúa Thái Bình

TP - Ngọc Nguyễn
Xây dựng hệ thống thư viện bài bản, nhiều đầu sách để học sinh chọn lựa, khuyến khích đọc sách, báo trong nhà trường đã giúp các trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) phát triển văn hóa đọc.

Trong những năm gần đây, phát triển văn hóa đọc đã được lan tỏa đến khắp mọi miền, từ đồng bằng đến miền núi, thành phố đến nông thôn. Đọc sách tạo nên nhân cách mỗi con người, tạo nên lớp văn hóa cho cuộc sống. Mỗi câu chuyện từ sách mang lại có giá trị cuộc sống vô cùng quý giá; giúp học sinh khám phá thế giới xung quanh một cách sinh động và hấp dẫn. Các bạn sẽ được kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo và phát triển tư duy một cách toàn diện.

Hoạt động giới thiệu sách tại trường Tiểu học An Đồng.
Hoạt động giới thiệu sách tại trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình)

Trong thời gian qua ở huyện Quỳnh Phụ, ngành Giáo dục địa phương đã tăng cường phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, khuyến khích học sinh đọc sách, báo phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Ở trường Tiểu học An Đồng, vài năm trở lại đây, nhà trường liên tục duy trì và phát triển văn hóa đọc. Nhà trường tạo ra môi trường để các bạn học sinh tìm hiểu những kiến thức phù hợp với lứa tuổi và bổ ích trong những trang sách.

Các bạn học sinh đọc sách tại thư viện trường Tiểu học An Đồng
Các bạn học sinh đọc sách tại thư viện trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình)

"Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhà trường đã nâng cấp hệ thống thư viện như cải tạo thư viện cũ, phát triển thư viện thông minh và xây dựng thư viện ngoài trời để có không gian đọc cho học trò. Hằng năm, từ những nguồn vốn từ cấp trên, nhà trường đã giao cho giáo viên đăng ký những đầu sách mới để phục vụ nhu cầu đọc của các em. Tổ chức hoạt động đọc sách cho từng khối, lớp trong tuần", thầy Vũ Đình Chinh - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học An Đồng chia sẻ.

Học trò trường Tiểu học An Đồng giành nhiều giải cao tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc của tỉnh Thái Bình.
Học trò trường Tiểu học An Đồng giành nhiều giải cao tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc của tỉnh Thái Bình.

Thầy Phó Hiệu trưởng cho biết thêm, trong năm học, nhà trường cũng phối hợp cùng Thư viện tỉnh Thái Bình có những chuyến xe lưu động tổ chức các mô hình đọc sách, giao lưu cùng học sinh. Từ đó lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường. Bên cạnh đó, trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, trường Tiểu học An Đồng thường xuyên thực hiện hoạt động kể chuyện, sân khấu hóa theo sách. Từ đó tạo điều kiện cho học sinh biết thêm về những cuốn sách hay, những câu chuyện đẹp.

Thư viện đọc sách ngoài trời của trường Tiểu học An Đồng
Thư viện đọc sách ngoài trời của trường Tiểu học An Đồng

Cô giáo Nguyễn Thị Trầm, giáo viên phụ trách thư viện trường Tiểu học An Đồng cho biết, hiện nay nhà trường có khoảng 6.000 đầu sách; trong đó có sách nghiệp vụ, sách giáo khoa phục vụ cho giảng dạy và học tập; tủ sách Bác Hồ; sách truyện thiếu nhi; sách lịch sử, doanh nhân,... Các lớp đều có tủ sách riêng, nếu học sinh muốn đọc thêm, có thể xuống thư viện đăng ký mượn. 

Đến với trường Tiểu học An Bài, một trong những điểm sáng khác trong phát triển văn hóa đọc học đường. Từ những năm 2005, nhà trường đã phát triển thư viện lớp học song song với thư viện nhà trường. Theo thời gian, nhiều loại hình thư viện khác đã được triển khai như: Thư viện tranh (giáo dục truyền thống lịch sử), Thư viện tiếng Anh (học tiếng Anh ngoài trời, đọc sách song ngữ), Thư viện ngoài trời có mái che (các ấn phẩm báo, tạp chí), Thư viện Điện tử (đọc sách trên không gian số, có thể đọc tại nhà).

Góc thư viện tiếng Anh ở trường Tiểu học An Bài
Góc thư viện tiếng Anh ở trường Tiểu học An Bài

"Với hệ thống thư viện như vậy, hiện nhà trường cung cấp khoảng gần 20.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại cho thầy cô và các em học sinh lựa chọn. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, hướng dẫn đọc sách, chọn sách,... để học sinh tìm được những cuốn phù hợp, lợi ích về kiến thức với lứa tuổi các em. Hằng năm, trường có tổ chức 2 triển lãm sách để giới thiệu những cuốn sách mới và lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh", cô Vũ Thị Mùa - Hiệu trưởng trường Tiểu học An Bài chia sẻ.

Không gian đọc sách được thiết kế tại sân trường Tiểu học An Bài
Không gian đọc sách, báo được thiết kế tại sân trường Tiểu học An Bài

Theo cô Mùa, để thư viện nhà trường phát triển như hôm nay còn có sự đóng góp của phụ huynh và các bạn học sinh. Trong năm, sau dịp Tết Nguyên Đán, nhà trường sẽ phát động ủng hộ sách cho thư viện đến toàn trường và Hội cha mẹ học sinh. Những cuốn sách này, sau đó sẽ được chuyển đến tủ sách trong các lớp học để học sinh đọc chung. Đặc biệt, có những bạn học sinh đã ủng hộ đến vài chục cuốn sách.

Các bạn học sinh trường Tiểu học An Bài giới thiệu sách trong
Các bạn học sinh trường Tiểu học An Bài giới thiệu sách trong "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2024

Bạn Hòa Vũ Lam Anh (lớp 4A3, trường Tiểu học An Bài) chia sẻ: "Đọc sách giúp tớ có thêm được nhiều tri thức, giúp tớ mở mang tầm mắt và biết nhiều từ ngữ phong phú. Tớ thích đọc những sách về danh nhân thế giới, kỹ năng sống. Vừa qua, tớ còn tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc của tỉnh Thái Bình và giành được giải Xuất sắc đấy nhé".

Phát triển văn hóa đọc ở Quỳnh Phụ còn được thể hiện qua số lượng học sinh tham gia cuộc thi Văn hóa đọc do tỉnh Thái Bình tổ chức. Trong những năm qua, các trường học trên địa bàn luôn có số lượng học sinh tham gia cuộc thi nhiều nhất và có số lượng giải tập thể và cá nhân đứng đầu. Năm học vừa qua, trường Tiểu học An Đồng và trường Tiểu học An Bài đều có học sinh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Trong đó, trường An Đồng có 1 giải Khuyến khích và là giải thưởng duy nhất của tỉnh Thái Bình.

Từ những kết quả trên, thấy rằng, việc phát triển văn hóa đọc của huyện Quỳnh Phụ đang đi đúng hướng. Từ đó, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, nâng cao vốn hiểu biết cho học sinh.

 

 

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nở rộ văn hóa đọc miền quê lúa Thái Bình tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Sân chơi sáng tạo cho học sinh

Với mong muốn học sinh có thêm nhiều hoạt động thú vị để trải nghiệm trong giờ ra chơi, các thầy cô giáo trường Tiểu học Minh Đạo (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đã thiết kế các trò chơi thật phù hợp cho học sinh ngay tại sân trường.

Gieo hạt mầm yêu thương

Dưới mái trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), các bạn học trò và các thầy cô không chỉ miệt mài thi đua dạy tốt, học tốt, mà còn hăng hái tham gia những phong trào thiện nguyện ý nghĩa với tinh thần nhân văn “lá lành đùm lá rách”.

Trường THCS Mễ Trì rực rỡ, tự hào trong ngày kỷ niệm lớn

Trường THCS Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa tổ chức chương trình đặc biệt Kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 62 năm thành lập và 20 năm xây dựng phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới. Buổi lễ cũng là dịp để biểu dương những cán bộ, giáo viên đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy, đồng thời đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.