Nơi con chữ xa tít trên non cao

TNTP Thứ Tư
Phải trèo đèo, lội suối, băng rừng đi học. Mùa đông rét buốt, thiếu quần áo, nước ấm… Đó chỉ là một phần trong vô vàn khó khăn mà học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS số 2 Nậm Xây phải đối mặt trên hành trình tìm kiếm con chữ. Vất vả là thế nhưng các bạn vẫn cố gắng nỗ lực vượt qua nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô giáo.

Nỗ lực từng ngày của học trò vùng cao

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS số 2 Nậm Xây nằm ở phía Tây của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Nơi đây là môi trường học tập của 192 học sinh ở 3 thôn: Mà Sa Phìn, Phù Lá Ngài, Giàng Dúa Chải. Ngôi trường từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tri thức và phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số ở nơi vùng cao xa xôi này.

Đường đến trường quanh co, chủ yếu là đất, đá to và sỏi, lại thường xuyên bị chia cắt do mưa lũ. Việc đi lại trở thành thách thức lớn đối với cả thầy và trò. Sau ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi hồi tháng 9 năm 2024, hành trình đến lớp tìm con chữ của các bạn học sinh càng trở nên gian nan hơn.

Ngoài khó khăn về giao thông, nhà trường còn phải đối mặt với thách thức lớn khác. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, đa số các bậc phụ huynh vẫn chưa coi trọng giáo dục, nhiều người có xu hướng cho con lao động sớm giúp gia đình thay vì đi học.

Các thầy cô đến
tận nhà đón học sinh
tới trường
Các thầy cô đến tận nhà đón học sinh tới trường

Trong công tác bán trú, thầy cô cũng rất nhiều trăn trở, nhất là vào mùa đông. Khí hậu vùng núi cao khắc nghiệt, vô cùng lạnh giá. Những đợt rét đậm, rét hại xuất hiện cả băng giá. Thương những cô cậu trò nhỏ đi học xa nhà, thiếu thốn trăm bề, các thầy cô tự xây bếp củi đun nước cho các con tắm, xin quần áo cũ cho các con mặc. Nhưng 142 học sinh bán trú đều có gia cảnh khó khăn, sự giúp đỡ của thầy cô chỉ như muối bỏ biển... Mong ước lớn nhất của các giáo viên ở Nậm Xây là có một cái bếp đủ cung cấp nước ấm cho học sinh tắm, đủ quần áo cho các con mặc, để làm dịu đi phần nào sự khắc nghiệt của mùa đông vùng cao…

Các bạn học sinh
trường Nậm Xây say
sưa đọc những mẩu
chuyện về Bác Hồ
Các bạn học sinh trường Nậm Xây say sưa đọc những mẩu chuyện về Bác Hồ

Khó khăn không ngăn được ý chí

Nhà xa, đường sá đi lại khó khăn nên các giáo viên thường ở lại trường cả tuần. Nhờ vậy, thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, chăm lo, rèn kỹ năng sống hằng ngày cho học sinh. Từ đó, các bạn thêm an tâm, coi mái trường như “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Các bạn nhỏ tự
“tăng gia sản xuất”
để cải thiện bữa ăn
bán trú
Các bạn nhỏ tự “tăng gia sản xuất” để cải thiện bữa ăn bán trú

Hằng năm, thầy cô cũng dành nhiều thời gian đến từng nhà để động viên phụ huynh cho con em mình tiếp tục đi học, rồi thay phiên đưa đón học sinh tới lớp. Niềm vui của thầy cô là được nhìn thấy các con vượt lên hoàn cảnh, yêu và thích đến trường. Nhiều học sinh rất siêng năng, kiên trì, có tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập. Trong đó, phải kể đến bạn Thào A Lồng (lớp 9B), đạt danh hiệu Học sinh giỏi môn Giáo dục công dân, giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện và là Học sinh giỏi 3 năm liền. Bạn Giàng Thị Yêu (lớp 7A), gia đình thuộc diện hộ nghèo, dưới còn có hai em nhỏ, nhà cách xa trường phải lội qua suối hằng ngày để đến lớp nhưng bạn không ngừng nỗ lực trong học tập. Giàng Thị Yêu là lớp trưởng gương mẫu, Liên đội trưởng năng động.

Bạn Giàng Thị Yêu -
Liên đội trưởng năng
nổ, tích cực trong các
hoạt động Đội
Bạn Giàng Thị Yêu - Liên đội trưởng năng nổ, tích cực trong các hoạt động Đội

Nghị lực từ những cô cậu học trò nhỏ bé đã thôi thúc thầy cô nơi đây thêm tâm huyết, gắn bó với giáo dục vùng cao. 17 thầy cô của nhà trường không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là những người bạn, người đồng hành đáng tin cậy của các em học sinh. Ngoài ra, sự hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường.

Tuy nhiên, để cải thiện điều kiện học tập và phát triển bền vững, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS số 2 Nậm Xây vẫn cần thêm sự quan tâm và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cũng như chính sách ưu đãi cho giáo dục vùng cao. Ai cũng mong mỏi trường sẽ có một thư viện sách để nơi đây trở thành “điểm đến văn hóa” cho các em học sinh và cho cả phụ huynh, bà con thôn bản.

Một góc
sân trường Phổ thông
Dân tộc bán trú THCS
số 2 Nậm Xây
Một góc sân trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS số 2 Nậm Xây

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS số 2 Nậm Xây được xem như biểu tượng cho sự kiên cường và khát vọng vươn lên của các em học sinh dân tộc Mông. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng tập thể giáo viên nhà trường luôn có niềm tin, tiếp tục gieo mầm ước mơ và hy vọng cho các thế hệ học trò.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nơi con chữ xa tít trên non cao tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Ngày hội lan tỏa dân ca ví, giặm

Giữ gìn, phát huy và phát triển văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, trò Kiều, lẩy Kiều là chủ đề trong ngày hội được trường Tiểu học Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tổ chức mới đây, với mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa dân gian của quê hương, tạo sự gắn kết tình cảm giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Rèn thể thao, tạo gắn kết

Mới đây, trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng cấp trường năm học 2024-2025, tạo nên một ngày hội thể thao rực rỡ.

Tưng bừng "Lễ hội Xuân 2025"

Hòa chung không khí rộn ràng, háo hức của học sinh cả nước chào đón mùa Xuân mới, khối Tiểu học của trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Xuân 2025 với chủ đề: “Xuân gắn kết - Tết vui tươi”

Nghĩa tình hướng về biên giới, hải đảo

Trong không khí hân hoan chào đón năm mới, các thầy cô giáo và các bạn nhỏ trường Tiểu học Hương Sơn (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã gửi rất nhiều tình yêu thương và lòng biết ơn đến các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc.