Ở nơi VNEN gặt hái - Kỳ 1

Minh Huấn
TNTP - Thời gian qua, báo chí đưa tin VNEN, mô hình trường học Việt Nam mới, bị “thất thủ” ở nhiều trường và địa phương mà nó được triển khai thí điểm...

Nhưng trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) trong những năm qua đã áp dụng thành công VNEN trong một số lớp học. Nơi đây đã cho chúng ta một cái nhìn khác hẳn về VNEN…

Giờ Văn học ở 9A6

9A6 là một trong những lớp được áp dụng VNEN của trường. Giờ Văn học của cô giáo Khắc Thị Mai Xuân tại 9A6 hôm đó là “Giờ học Chương trình địa phương - Tìm hiểu về văn học Hà Nội”. Gọi là các học sinh được học, nhưng cô giao đề tài cho các con về tự nghiên cứu trước ở nhà. Chuyên đề có các nhánh như sau:

1. Tìm hiểu về các nhà văn Hà Nội trưởng thành trước 1975 và có sáng tác công bố sau 1975.

2. Tìm hiểu về các nhà văn trẻ Hà Nội trưởng thành sau 1975.

3. Tìm hiểu một số tác phẩm văn học về Hà Nội.

4. Tìm hiểu về các nhà nghiên cứu, phê bình văn học người Hà Nội.

Tới giờ các con trình bày kết quả tìm hiểu của mình trước cô và lớp. Ai cũng háo hức và hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc này, bởi sẽ được thuyết trình những hiểu biết của mình. Bài thuyết trình của mình có hay không, có được các bạn chấp nhận không? Điều đó thôi thúc tất cả phải tích cực chuẩn bị.

Theo cách bố trí khéo léo và khoa học của cô, có tới 32 bạn (trong tổng số 44 học sinh của lớp) được thuyết trình trong vòng 20 phút (trong tổng số thời lượng 45 phút của một tiết học). 12 bạn còn lại chưa kịp được thuyết trình, nhưng cũng đã tự nghiên cứu đề tài trước ở nhà, tới lớp cũng đã “căng tai” lên nghe các bạn thuyết giảng và có thể đưa ra nhận xét rằng bạn nói hay, hoặc chưa hay, nói đủ - thiếu, đúng - sai kiến thức… Đây chắc chắn là một con số khủng về số học sinh được tham gia vào việc xây dựng bài do áp dụng VNEN và “kỹ sảo” cao tay của cô đem lại.

Vậy là cách học này thực sự cho học sinh chủ động, rèn luyện các kỹ năng: tìm kiếm, diễn đạt kiến thức bài học trên giấy (có thể trên máy tính, hoặc viết tay), thuyết trình, hùng biện, giám sát bài học v.v… Và cuối cùng mục đích cho học sinh nắm được kiến thức đã đạt được tối ưu nhất.

Giờ học về các nhà văn Hà Nội được mở đầu bằng bài ca “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp trước khi vào giờ cho khí thế.

Các thuyết trình viên say sưa phổ biến lại những kiến thức mình đã nghiên cứu. Các bạn lắng nghe chăm chú. Nhóm làm việc có cả laptop tỏ ra rất chuyên nghiệp.

Những bài nghiên cứu được chuẩn bị sẵn ở nhà rất phong phú và công phu.

Cuối giờ, cô nhận xét buổi thuyết trình. Ai cũng chăm chú xem cô đánh giá về mình và nhóm mình như thế nào.

“Lịch sự, tế nhị” ở lớp 6SB2

Cô Trần Thị Minh Hải chủ nhiệm phụ trách 2 môn học tại lớp là “Giáo dục công dân” và “Địa lý”. Cả 2 môn cô đều áp dụng VNEN và rất được các học sinh đón nhận.

Giờ “Giáo dục công dân” với chủ đề “Lịch sự - tế nhị” cũng được các bạn nhỏ chuẩn bị sẵn ở nhà. Tới giờ trả bài, một nhóm được cử thuyết trình và dẫn dắt giờ học. Các bạn đã chia sẻ những câu chuyện thế nào là “lịch sự - tế nhị”, tìm những tục ngữ, ca dao nói về “lịch sự - tế nhị”, tổ chức trò chơi phục vụ cho chủ đề này. Cả lớp hào hứng lắm.

Những câu ca dao, tục ngữ về chủ đề “Lịch sự - tế nhị” được các đội tìm ra trong trò chơi thi đua:

1. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

2. “Kính trên, nhường dưới”.

3. “Đi thưa, về gửi”.

Và nhiều viện dẫn thú vị và thông minh khác… Hấp dẫn lắm.

Trong khi các con thuyết trình, cô ngồi dưới theo dõi và cũng bị hút vào chương trình của chúng. Cô bật cười khi các con đã phát hiện và bắt bẻ nhau một lỗi mà nhóm thuyết trình sơ ý để xảy ra.

Sau khi đánh giá, cô hỏi ý kiến cả lớp muốn cho nhóm thuyết trình điểm 9 về bài môn Địa lý. Tất cả đều đồng loạt giơ tay.

Ý kiến các học sinh đang được học theo phương pháp VNEN:

Tống Đức Thái (lớp 9A6): “Hồi mới vào lớp 6, bọn em được học VNEN thì thấy bỡ ngỡ chút. Nhưng cũng nhanh quen và thích thú. VNEN giúp bọn em tự tin: dám mạnh dạn nói ra quan điểm riêng của mình và những ý kiến đúng được thầy cô ủng hộ. Rất sướng”.

Nguyễn Hà Linh (9A6): “Học theo VNEN, chúng em có cơ hội tư duy vấn đề sâu hơn. Học 1 biết suy luận thành 2-3. Cảm giác ai cũng thông minh hơn thì phải. VNEN còn áp dụng cho cả các hoạt động khác như làm phim và sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật... Bọn em có thể tự lên kịch bản, chương trình, làm quay phim, diễn viên, biên tập, biên đạo múa, dàn dựng v.v… Thế là nhiều bạn bộc lộ được khả năng và tài năng của mình”.

Nguyễn Bảo Chi (9A7): “VNEN rèn luyện cho tất cả có tư duy làm lãnh đạo, chỉ huy, biết sắp xếp kế hoạch thời gian, công việc logic, hợp lý”.

Trần Sinh Hưng (9A7): “VNEN rèn luyện rất nhiều kỹ năng cuộc sống cho con người sẽ được sử dụng trong tương lai: biết cư xử trên dưới, trước sau, biết làm chủ những tình huống khó khăn của cuộc sống, có trách nhiệm và biết yêu thương mọi người…”.

Và tất cả các bạn cùng lo lắng lên cấp 3 - THPT có còn được học VNEN nữa không?

Ý kiến của các phụ huynh về VNEN khá bất ngờ. VNEN hay như thế, nhưng chưa được hoan nghênh tại Việt Nam. Lý do vì sao, mời các bạn đón đọc kỳ sau vào ngày mai.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ở nơi VNEN gặt hái - Kỳ 1 tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Học sinh tìm hiểu Thủ đô Hà Nội qua những trang sách

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), cô và trò trường Tiểu học Dịch Vọng A đã tổ chức Ngày hội tuyên truyền và giới thiệu sách với chủ đề "Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và Hội thi tổ chức “Hội thi trưng bày và giới thiệu sách”.

Aerobic lấp lánh ánh vàng

Đội tuyển Aerobic trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng cấp Quận lần thứ X năm 2024.

Tấm lòng của giáo viên với học trò

Ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với tấm lòng yêu mến trẻ thơ, các thầy cô luôn hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.