Quan niệm về nghệ sĩ và nghệ thuật trong bộ phim poetry (2010) của đạo diễn Lee Chang Dong

Thu Hương
TNTP - Trong bối cảnh nền công nghiệp Điện ảnh Hàn Quốc hiện đại xuất hiện nhiều siêu phẩm hoành tráng thì gương mặt của đạo diễn Lee Chang Dong hiện lên như một bông hoa dịu dàng giữa cánh rừng đầy hương sắc.

Tác phẩm thành công nhất của ông là bộ phim Poetry (2010). Bộ phim đã giành được giải Kịch bản xuất sắc tại Cannes.

Người nghệ sĩ là người biết yêu cái đẹp và đưa cái đẹp vào trong nghệ thuật

Nhân vật chính trong bộ phim là Mija - một người phụ nữ thanh lịch theo lời nhận xét của cô con gái ông già bị bại liệt mà Mija giúp việc. Lúc nào bà cũng ăn mặc chỉn chu, nói chuyện với một giọng điệu duyên dáng cùng với những cử chỉ trang nhã. Bà là một người yêu cái đẹp, bà muốn bản thân xinh đẹp và luôn đi tìm vẻ đẹp trong thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, cái đẹp không nhất định cứ phải là long lanh diễm lệ. Cái đẹp trong quan niệm của mỗi con người lại thể hiện rất khác nhau. Ở lớp học làm thơ, khi nhắc đến khoảnh khắc đẹp nhất trong đời khiến bạn hạnh phúc nhất, có người nói rằng đó là khi đứa con đầu lòng của họ chào đời. Có người lại chìm đắm trong thứ tình yêu mà họ cho là đẹp tuyệt mặc dù đó là một tình yêu tội lỗi. Và mặc dù tình yêu ấy có đem lại cho họ những nỗi đau, có thể dẫn họ tới cái chết nhưng với họ thì nỗi đau ấy vẫn rất đẹp...

Người nghệ sĩ phải biết quan sát, cảm nhận và thả hồn vào sự vật để “thấy” được cái đẹp

Điều quan trọng nhất của cuộc sống là quan sát. Con người sống bằng cách quan sát vạn vật. Mija đã bắt đầu thử quan sát mọi thứ và ghi chép vào cuốn sổ nhỏ của mình. Ngày đầu tiên, bà đã kết luận: “Táo để ăn chứ không phải để ngắm”. Bà ngồi hàng giờ quan sát cái cây trước nhà “để thấy nó thật rõ, để cảm nhận được nó, để thấu hiểu nó và nghe xem nó nói gì”,... Nhưng rốt cuộc vẫn chẳng có gì cả. Đương nhiên, nếu chỉ quan sát không thôi thì chưa đủ, người nghệ sĩ phải biết thả tâm hồn, cảm xúc của mình vào thơ. Chính vì chưa đặt những tâm trạng, xúc cảm của mình vào với sự vật nên Mija chưa thể viết được những vần thơ như bà mong muốn.

Khi nghe được tin cháu trai mình có liên quan đến cái chết của cô bé nữ sinh cùng trường mà Wook học, bà đã rất bàng hoàng và đau lòng. Nhìn những bông hoa mào gà ven đường, bà thấy chúng đỏ thẫm như máu. Màu đỏ của chúng phải chăng là biểu tượng trinh tiết của người con gái, là “tấm khiên” bảo vệ người con gái đương tuổi xuân thì. Khi tấm khiên ấy mất đi nghĩa là sự bảo vệ không còn nữa, tất sẽ suy yếu và dẫn đến cái chết. Mija thực sự đã truyền tải được nỗi đau của mình thông qua hình ảnh liên tưởng này.

Hành trình tìm kiếm cảm hứng thơ ca

Trong lớp làm thơ, người thầy đã từng nói với Mija: “Mỗi người đều mang một hồn thơ trong mình nhưng các bạn đang giam nó lại...”. Khi nghe được những điều này, Mija đã đặt luôn câu hỏi: “Khi nào thì cảm hứng thơ ca mới đến?”. Điều này được nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối phim và tạo thành nút thắt cho đến khi Mija đã viết được một bài thơ.

Cảm hứng thi ca không tự nhiên mà đến mà người thi sĩ phải tự đi tìm nó. Bởi vậy mà Mija đã đi rất nhiều nơi để tìm cảm hứng thơ ca. Trên sân trường của Wook, bà ngồi nghe tiếng chim hót và ghi lại: “Tiếng chim hót. Chúng đang hót điều gì?”. Đó phải chăng cũng chính là câu hỏi trong lòng của Mija. Bà không hiểu được những gì mà Wook nghĩ. Bà vẫn yêu thương và quan tâm Wook nhưng bà cũng thương cảm cho cô gái bị hại và cả gia đình của cô bé ấy nữa. Những gì Wook làm đã khiến bà lâm vào ngõ cụt không lối thoát.

Theo lời những ông bố của bạn Wook, Mija lên đường tìm đến nhà của cô bé bị hại để có thể thuyết phục mẹ cô bé đồng ý thỏa thuận. Trên đường tới nơi mẹ cô bé làm việc, Mija đã thấy những quả mơ rụng dưới đất và ghi chép lại trong cuốn sổ nhỏ: “Những quả mơ tự rụng dưới đất, bị đè bép và dẫm nát để đón chờ cuộc đời mới”. Mija cũng đã nói những điều này với mẹ của cô bé ấy. Bà tin rằng đó cũng giống như cuộc đời cô con gái của người đàn bà tội nghiệp kia. Cô gái tự tử, mất đi cũng chỉ là để đón chờ một cuộc sống khác tươi đẹp và hoàn mĩ hơn. Những cây cúc vườn zinnia mọc quanh cây mơ ngã rạp xuống đất như những cái rập đầu tạ lỗi của bà cũng như của đứa cháu và những người làm cha mẹ trước phần mộ của cô gái. Mija quả thực đã đi và gặp nhiều hình ảnh, thả tâm trạng của mình vào đó một cách chân thật để có thể cảm nhận được sự vật đẹp như thế.

Kết luận

Điểm mạnh nhất trong Poetry chính là một câu chuyện dung dị, tinh tế nhưng không kém phần mạnh mẽ cùng diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên gạo cội Yun Jeong Hie. Nhịp phim chậm rãi, đôi khi hơi lề mề như một bài thơ không có hồi kết tạo nên một nét rất riêng cho Poetry. Bộ phim xứng đáng được đứng ở đúng vị thế của nó, ở mãi trong lòng người hâm mộ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Quan niệm về nghệ sĩ và nghệ thuật trong bộ phim poetry (2010) của đạo diễn Lee Chang Dong tại chuyên mục Giải trí của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Giải trí khác

Những món đồ vừa đẹp, vừa độc lạ

Đôi khi chọn mua được những món đồ ưng í đặt trong nhà là đã đủ khiến bạn thấy thư thái và vui vẻ hơn mỗi ngày. Vậy thì đợi gì mà không “săn” ngay những món đồ độc lạ thế này để khiến mình lúc nào cũng thấy vui nhỉ!

"Nuôi đá" làm thú công

Nuôi đá làm thú cưng? Tất nhiên rồi, đây không phải là chuyện xảy ra ở thì tương lai xa tít mù tắp, mà thực tế, trào lưu “nuôi đá làm thú cưng” đang rất “hot” đấy nhé.