Sao chổi xanh sẽ tiếp xúc lại với Trái Đất sau 50.000 năm

Thành Nam
Theo các nhà thiên văn học, những người quan sát sao có thể nhìn thấy sao chổi màu xanh lá cây mang tên C/2022 E3 (ZTF) rõ nhất trong tuần này, khi nó đi qua Trái Đất lần đầu tiên sau khoảng 50.000 năm.
Sao chổi xanh sẽ tiếp xúc lại với Trái Đất sau 50.000 năm - Ảnh 1

Về định nghĩa, sao chổi được các nhà thiên văn học gọi là “quả cầu tuyết bẩn” do nó là một quả bóng làm từ băng, bụi và đá. Nguồn gốc của sao chổi thường tới từ một khu vực bao gồm nhiều vật chất băng và đá vụn mang tên Oort nằm ở rìa ngoài của Hệ Mặt trời.

Tuy nhiên, cũng có những sao chổi khác tới từ khu vực bên ngoài Hệ Mặt trời, ví dụ như sao chổi 2I/Borisov.

Cấu tạo của sao chổi bao gồm phần lõi rắn chắc làm từ đá, băng và bụi được bao phủ bởi một bầu khí quyển mỏng và đầy khí chứa nhiều băng và bụi hơn, được gọi là coma. Một khi sao chổi tới gần mặt trời, chúng sẽ tan chảy, từ đó giải phóng một luồng khí và bụi bị bức xạ mặt trời và plasma từ bề mặt của chúng. Chính điều này đã tạo thành đuôi cho sao chổi.

Theo Reuters, các sao chổi thường đi lang thang phía bên trong hệ mặt trời do tác động của các nguồn lực hấp dẫn khác nhau lên khu vực Oort và trở nên đặc biệt rõ ràng trên bầu trời đêm khi chúng đến gần Mặt trời. Hàng năm, các đài quan sát thiên văn trên khắp thế giới phát hiện ra khoảng 10 sao chổi.

Giáo sư vật lý Thomas Prince của Viện Công nghệ California nhận định sao chổi chính là một bằng chứng vững chắc giúp các nhà khoa học đạt được thêm hiểu biết về Hệ Mặt trời nguyên thủy do nó được hình thành trong giai đoạn đầu của Hệ Mặt trời.

Về phía sao chổi xanh mang tên C/2022 E3 (ZTF), vị khách vũ trụ này sẽ đi qua Trái Đất ở khoảng cách 42,5 triệu km. Ngày 30/1, nó sẽ xuất hiện giữa chòm sao Bắc Đẩu và Polaris - sao Bắc cực. Tới ngày 1/2, nó được định vị gần chòm sao Camelopardalis, giáp với chòm sao Đại Hùng, chòm sao Bắc Đẩu và chòm sao Tiểu Hùng.

 
Lần cuối cùng sao chổi này đi qua hành tinh của ta là khoảng 50.000 năm trước khi người Neanderthal vẫn còn sinh sống ở Âu - Á và người Homosapien vẫn đang mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài châu Phi. Vào thời điểm đó, các động vật có vú lớn trong Kỷ Băng hà bao gồm voi ma mút và mèo răng kiếm đã lang thang khắp các vùng đất trong khi phía bắc châu Phi vẫn còn là một nơi ẩm ướt, màu mỡ và nhiều mưa.

Được phát hiện ngày 2/3/2022 bởi các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng Zwicky Transient Facility tại Đài quan sát Palomar của Caltech ở San Diego, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) có được màu xanh ngọc lục bảo do thành phần hóa học của mình. Cụ thể, phản ứng hóa học giữa ánh sáng mặt trời và các phân tử dựa trên carbon trong coma của sao chổi đã tạo ra màu sắc độc đáo này.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc quan sát sao chổi xanh, NASA đang có kế hoạch sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST). Theo nhà khoa học hành tinh Stefanie Milam thuộc Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, cơ quan này đang cố gắng tìm kiếm dấu vết của các phân tử không thể tiếp cận từ mặt đất. Do kính viễn vọng James Webb có độ nhạy cao, các nhà khoa học mong đợi nó sẽ tìm ra được một khám phá mới.

Đối với những người quan sát sao phổ thông, họ có thể sử dụng ống nhòm trong một đêm trời trong, tránh xa ô nhiễm ánh sáng từ các khu vực đông dân cư để chứng kiến sao chổi xanh đi qua Trái Đất trên bầu trời của bán cầu bắc.

(theo Ngân Hà)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sao chổi xanh sẽ tiếp xúc lại với Trái Đất sau 50.000 năm tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác