Sau Pháp, học sinh Việt Nam sẽ bị cấm sử dụng điện thoại?

Phan Thoa
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, việc cấm điện thoại trong giờ học là đúng nhưng nếu cấm cả trong giờ ra chơi thì lại “xâm phạm quyền của học sinh”.

Theo báo Thanh niên, vừa qua, vụ việc một học sinh lớp 9 ở Ninh Bình bị cô giáo tịch thu điện thoại di động khi sử dụng trong giờ học đã sợ hãi đến mức nhảy lầu, một lần nữa lại đặt ra nhiều băn khoăn xung quanh vấn đề trên.

Phụ huynh của Thư Hiên (lớp 7H, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội) cho biết quan điểm của cô là không cho con sử dụng điện thoại di động ít nhất là đến hết cấp THCS. Theo cô, nhà trường cấm học sinh sử dụng trong giờ học thì việc phụ huynh không cho con mang điện thoại đến trường cũng là để con chấp hành nội quy. Đồng quan điểm, một phụ huynh có con học lớp 8 Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học thì việc cho học sinh mang điện thoại theo lại khiến thầy cô phải mất thời gian kiểm soát. Hơn nữa, nhà trường đã có hệ thống xe đưa đón, nên việc sử dụng điện thoại khi đi học với học sinh ở lứa tuổi này là không cần thiết.

Lý lẽ của một số phụ huynh muốn cấm con mang điện thoại đến trường còn là sợ học sinh xao nhãng việc học, lén lúc chơi game dẫn đến nghiện, thậm chí là truy cập những trang web đen. “Con gái tôi kể là vào giờ ngủ trưa, một nhóm bạn nam thường lén tụm lại chơi game, xem phim đen rồi có những hành vi rất kỳ cục”, phụ huynh lớp 7 một trường ở TP.HCM lo lắng chia sẻ.

Thực tế, không ít trường ra quy định cấm học sinh mang điện thoại di động đến lớp nhưng sau đó cũng đành thỏa hiệp với phụ huynh để chỉ khoanh vùng cấm trong giờ học.

Trao đổi với báo Lao động TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng,việc cấm điện thoại trong trường học tồn tại hai cái khó. Thứ nhất là xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện thoại của học sinh, đặc biệt là đối với các bạn học sinh cấp 2 trở lên. Các bạn có thể dùng điện thoại để liên hệ với gia đình khi có việc cần hoặc dùng điện thoại là phương tiện học tập, tìm hiểu kiến thức. Thầy Lâm khẳng định, đây là 2 nhu cầu thật của học sinh mà chúng ta phải hết sức quan tâm và trân trọng.

Thứ 2, việc cấm điện thoại trong giờ ra chơi hay cấm mang theo người là khó khả thi vì đó là quyền của các bạn, mà người lớn không nên xâm phạm. Thầy Lâm cho rằng, “không thể cái gì không quản được thì cấm”. Giáo dục học sinh bây giờ không chỉ đơn thuần là ra một lệnh cấm và bắt tất cả phải làm theo. Học sinh cũng có rất nhiều lý lẽ mà các bạn ấy cho rằng lý lẽ đó là đúng, do vậy quan trọng nhất vẫn là nhận thức của các bạn chứ không phải là những hình thức cấm đoán.

Cũng theo thầy Lâm, cấm điện thoại trong giờ ra chơi không đồng nghĩa với việc tăng nhu cầu giao tiếp giữa các bạn học sinh với nhau. Thầy cô không thể lúc nào cũng kè kè kiểm soát các bạn trong giờ ra chơi để xem các bạn có giao tiếp với nhau hay không.

“Trách nhiệm này cần có sự phối hợp đồng bộ của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Ở trường, thầy cô nên tổ chức các hoạt động tập thể thực sự bổ ích để lôi cuốn các bạn. Về nhà thì gia đình cũng cần dành thời gian để trò chuyện, tổ chức các hoạt động gia đình”, TS Tùng Lâm phân tích.

Trước đó, các trường tiểu học và trung học cơ sở của Pháp dự kiến sẽ đưa ra nội quy cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9/2018 – Bộ trưởng Giáo dục nước này xác nhận.

Duy Minh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sau Pháp, học sinh Việt Nam sẽ bị cấm sử dụng điện thoại? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác