Sự thật thú vị về múi giờ

Khoa học Khám phá
Trái Đất của chúng ta có dạng hình cầu và tự quay xung quanh Mặt Trời, dẫn đến có sự khác nhau về thời gian tại các quốc gia. Để giúp mọi người căn chuẩn giờ giấc, thuận tiện hơn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày, các chuyên gia đã tìm ra cách tính múi giờ với công thức tính chính xác.

Múi giờ là gì?

Múi giờ hay giờ địa phương là khái niệm chỉ một vùng trên Trái Đất được người dân quy ước sử dụng chung một thời gian tiêu chuẩn. Về lý thuyết, mọi đồng hồ tại vùng này sẽ được điều chỉnh về cùng một giờ nhất định.

Các múi giờ được phân chia dựa theo đường kinh tuyến của Trái Đất. Hành tinh của chúng ta được chia thành 24 đường kinh tuyến tương ứng với 24 múi giờ.

Múi giờ GMT và UTC

GMT là viết tắt của Greenwich Mean Time, nghĩa là giờ trung bình tại Greenwich. Đây là phương thức tính thời gian chuẩn quốc tế đầu tiên được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Nó được đo tại đài thiên văn Hoàng gia Greenwich ở Greenwich, Anh. Nơi đây được quy ước nằm trên kinh tuyến số 0.

GMT được tính từ giữa trưa một ngày sang giữa trưa ngày tiếp theo. Từ năm 1925, đơn vị này dần được thay thế bằng UTC (viết tắt của Coordinated Universal Time, nghĩa là giờ phối hợp quốc tế). Một ngày bây giờ được tính từ nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau. UTC được tính dựa trên chuẩn tần số nguyên tử và càng chính xác hơn khi tính thời gian theo năng lượng Mặt Trời từ một điểm trên bề mặt Trái Đất.

Ngày 1/1/1972, UTC chính thức trở thành thời gian chuẩn quốc tế. Dẫu vậy, GMT hiện vẫn còn được sử dụng khá phổ biến trên thế giới.

Múi giờ tại Việt Nam

Như các bạn đã biết, Trái Đất hình cầu và quay từ Đông sang Tây. Vì vậy sẽ có sự chênh lệch về thời gian, một nửa bán cầu là ngày, nửa còn lại là đêm. Vì lẽ đó, chúng ta sẽ có công thức tính giờ trên Trái Đất như sau: Tm = To + M (Tm là giờ múi, To là giờ GMT và M là số thứ tự của múi giờ). Việt Nam thuộc múi giờ số 7 (GMT +7), vì vậy giờ của nước ta đi trước giờ GMT là 7 giờ.

Ranh giới các múi giờ

Ranh giới múi giờ có rất nhiều chênh lệch. Điều này là vì ranh giới múi giờ thường được chia theo biên giới quốc gia. Sự chênh lệch này thể hiện rõ nhất ở hai quốc gia rộng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, khi hai nước này đều sử dụng chung một múi giờ trên toàn lãnh thổ.

“Hàng xóm” nhưng chênh nhau đến 24 giờ

Có thể các bạn sẽ không tin, nhưng đây là sự thật thú vị về múi giờ trên thế giới. Đó là câu chuyện của American Samoa và quần đảo Lines. Hai nơi này chỉ cách nhau 2.000 km nhưng chênh nhau đến 24 giờ (1 ngày).

Múi giờ nhỏ nhất

Một hòn đảo nhỏ ở biển Baltic có diện tích rất nhỏ, khoảng cách giữa các điểm xa nhất ước chừng 80-300 mét. Đảo này thuộc sở hữu của cả Thụy Điển và Phần Lan, mỗi bên một nửa, nên múi giờ của nó cũng bị chia làm hai, theo ranh giới quốc gia. Đây là địa điểm quan trọng giúp hai nước trên tính toán, định dạng múi giờ của họ.

Pháp là nước có nhiều múi giờ nhất

Vào bất cứ thời điểm nào thì toàn bộ nước Pháp, trong đó gồm các thành phố, lãnh thổ hải ngoại cũng sẽ trải qua 12 múi giờ khác nhau. Lãnh thổ Pháp trải dài từ Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Nam Mỹ đến châu Phi. Vì thuộc nhiều kinh độ khác nhau nên mỗi vùng sẽ có múi giờ khác nhau. Do đó, cho dù không phải là quốc gia rộng nhất thế giới, nhưng Pháp vẫn có số múi giờ nhiều nhất.

Nơi đầu tiên đón năm mới

Mọi người vẫn cho rằng Sydney (Australia) là nơi đầu tiên đón năm mới. Thế nhưng sự thật là các quốc gia Samoa, Tonga (ở phía Nam Thái Bình Dương) và đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati mới là những nơi đón năm mới sớm nhất trên toàn thế giới.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá Đặc biệt, tháng 1/2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá Đặc biệt. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sự thật thú vị về múi giờ tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Nghệ thuật và trị liệu

Chú Jon Foreman là một nghệ sĩ sắp đặt theo trường phái ấn tượng đến từ Pembrokeshire, xứ Wales (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).