Con người không chỉ ghét bỏ loài gián vì chúng xấu xí, bẩn thỉu, gieo giắc nhiều mầm bệnh mà còn bởi cơn ác mộng mà chúng mang đến – bò vào tai người và an nghỉ ở trong đó. Vậy tại sao dù biết sẽ chết trong tai người nhưng chúng vẫn lượn lờ dạo chơi trong đó?
Gián Đức là loại thường hay chui vào tai người. Chúng có chiều dài cơ thể là 0,6 inch (1,5 cm) – một kích thước khá phù hợp để chui vào ống tai nhỏ hẹp. Loài gián có sở thích rất nên thơ là đi dạo vào ban đêm và chúng cực yêu những nơi nhỏ, ẩm ướt. Do vậy, chúng sẽ bò vào tai người khi chúng ta ngủ như một lẽ thường tình. Theo The Verge, nhà côn trùng học Coby Schal (Đại học bang North Carolina) cho biết: “Với gián, tai giống như một nơi an toàn để ăn uống và ngủ nghỉ. Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, đó là một nơi an toàn để chúng ăn”.
Gián có thể tìm thấy một bữa ăn nhẹ trong tai người
Những con gián đều “mê đắm” mùi của một số loại hoá chất gọi là axit béo dễ bay hơi. Loại mùi này thường có ở thực phẩm lên men như bánh mì, bia, phô mai... và ráy tai của chúng ta cũng phát ra loại mùi y hệt như vậy.
Khi bò vào tai người thì gián sẽ bị mắc kẹt lại. Chúng càng cựa quậy mạnh thì sẽ càng chui sâu hơn vào trong. Những chiếc gai trên chân chúng sẽ cào vào ống tai gây ra đau đớn, nhiễm trùng hoặc tệ hơn là rách màng nhĩ.
Bên trong cơ thể gián chứa rất nhiều vi khuẩn và chúng sẽ giải phóng một ổ vi trùng khủng khiếp trong tai người khi chết. Khi bắt con gián ra khỏi tai người, các bác sĩ sẽ giết chúng bằng cách đổ vào tai thuốc tê, nước oxy già, các thuốc nhỏ tai như otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine…. Nhưng cách này sẽ khiến loài gián đi vệ sinh và nôn mửa ra tất cả vi khuẩn và nấm. Tất nhiên, các bác sĩ sẽ dọn sạch những thứ tai hại như vậy ra khỏi tai bạn.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2006, có tới 24 trường hợp bệnh nhân bị “tai xâm lấn” ở châu Phi trong vòng 2 năm. Cũng theo một nghiên cứu được công bố vào năm 1993, gián đứng đầu trong danh sách những dị vật được lấy ra từ tai của 98 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Los Angeles trong vòng 1 năm.
Hay chỉ 1 tháng trước, tại Florida đã ghi nhận trường hợp một bệnh nhân bị gián bò vào tai khi đang ngủ. Chúng đã sống trong tai người suốt 9 ngày rồi mới được phát hiện và lấy ra. Hay như tuần trước, một bệnh nhân khác sống tại địa phương trên cũng rơi vào trường hợp tương tự, nhưng tệ hơn một chút là con gián đã đẻ trứng vào tai trước khi chết.
Một số biện pháp phòng ngừa côn trùng chui vào tai:
- Không nên nằm ngủ dưới đất, nên mắc màn chê nếu khu vực sống nhiều côn trùng.
- Không nên ăn uống để thức ăn vung vãi trên giường, nệm ngủ.
- Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, thay ga, áo gối khi bị dính sữa để tránh chiêu dụ côn trùng đến.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế các loài côn trùng ẩn náu trong nhà.
Huệ Anh