Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đều mặc định rằng gia đình sẽ ăn 3 bữa sáng, trưa, và tối. Có thể mỗi bữa là một món khác nhau, nhưng hiếm khi thời gian ăn 3 bữa trong ngày này lại thay đổi.
Nhưng vì sao lại là 3 bữa mà không phải nhiều hơn hay ít hơn? Liệu có lời giải thích khoa học nào cho việc cứ phải ăn một ngày 3 bữa, hay đó đơn giản chỉ là thói quen, một lối sống chung của con người?
Theo giáo sư Paul Freedman của Đại học Yale, người biên soạn cuốn “Food: The History of Taste”, không có lý do nào về mặt sinh học lý giải cho việc ăn ba bữa một ngày. Số bữa ăn được ăn mỗi ngày là một mô hình văn hóa mà mọi người đã chấp nhận vì nó dễ dàng duy trì. Và nó đã trở thành một khái niệm được dùng trong nhiều thập kỷ qua.
Vậy từ khi nào và tại sao chúng ta lại bắt đầu thói quen ăn 3 bữa 1 ngày? Khoảng giữa những năm 1920 - 1930, chính phủ Hoa Kỳ công nhận bữa ăn sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Các công nhân từ đó đã có thói quen ăn trưa no để vừa phù hợp với tính chất công việc, vừa thỏa mãn lời khuyên của chính phủ.
Trong khi đó, từ những năm 1950, bà nội trợ June Clever trong chuỗi phim hài “Leave it to Beaver” đã luôn xuất hiện với cảnh chuẩn bị bữa ăn sáng, trưa, tối cho gia đình. Ngay cả các chương trình, phim truyền hình hiện nay cũng đều có cảnh gia đình ngồi ăn bữa sáng với nhau trước khi đi làm và ăn tối sau khi đã về nhà.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Freedman, với lối sống hiện đại gấp gáp, thói quen ăn 3 bữa đang dần thay đổi. Việc ăn không đủ hoặc nhiều hơn 3 bữa là chuyện không còn xa lạ.
Thời gian gần đây, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy đại đa số người trả lời ăn 2 bữa trưa và tối, với bữa chính vào buổi trưa.