Tuổi thơ vất vả
Sinh năm 1983, cầm tinh con lợn nhưng thầy Lượng bảo mình không được sướng như trong tướng số! Năm 1984, khi Lượng mới tròn 1 tuổi thì người bố của anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh ở chiến tranh biên giới Tây Nam. Mẹ thầy Lượng bà Nguyễn Thị Phượng lúc đó tuổi cũng mới chỉ đôi mươi, đã phải sớm vất vả một mình gồng gánh nuôi con.
Khi học lên cấp 2, thầy Lượng cũng đã phải sớm vất vả như mẹ, suốt ngày quăng quật tấm thân, cuốc cày trên cánh đồng đất cát quê hương, lúc trồng cây lúa, khi cây khoai cho cái ăn hằng ngày hằng tháng. Khi mùa vụ vừa xong, lại quay sang việc chăn trâu, bò thuê cho người dân trong xã để kiếm thêm tiền lo cho việc học. Tuổi thơ vất vả, cơ cực nên Lượng không có được điều kiện tốt để học hành. Khi học xong cấp 3, chỉ thi đỗ vào Khoa tiếng Anh Trường Đại học tư thục Duy Tân Đà Nẵng mà không phải một trường công lập danh tiếng ở miền Trung.
Do điều kiện tài chính của địa phương khó khăn nên từ những năm 2000, mặc dù nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, việc hợp đồng hay biên chế đối với giáo viên này là rất hạn chế. Thầy Lượng vì thế đã có thời gian dạy không lương ở Trường THCS Vĩnh Chấp. Sau đó, thầy được nhà trường hợp đồng với mỗi tháng chỉ 500 nghìn đồng. Đến năm 2009, khi UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này có chủ trương thi tuyển biên chế công, viên chức đối với giáo viên tiếng Anh, thầy Lượng đã thi đỗ, được biên chế vào Trường THCS thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.
Tuy nhiên, do mẹ ở quê thường xuyên ốm đau bệnh tật, đường sá đi về lại xa xôi, khó khăn trở ngại nên đến năm 2012, thầy Lượng viết đơn trình bày hoàn cảnh, xin được về quê dạy học. Mong muốn của thầy Lượng còn được Ban giám hiệu Trường THCS Vĩnh Chấp hết sức ủng hộ. Bên cạnh sự chia sẻ những khó khăn với thầy, nhà trường cũng đang rất cần giáo viên bộ môn này.
Nhưng theo thầy giáo Mai Khanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Chấp cho biết: “Lúc đó, thầy Lượng được chuyển về trường chỉ đúng một giờ đồng hồ. Khi đang tham gia buổi chào cờ đầu năm học mới của trường, thì thầy được cấp trên gọi riêng ra và trao quyết định điều chuyển tiếp từ Trường THCS Vĩnh Chấp đến Trường tiểu học Vĩnh Chấp sát bên cạnh”.
Trường tiểu học Vĩnh Chấp nơi thầy Lượng gắn bó, dạy học nhiều năm. Ảnh: H.L
“Lúc đó, bản thân tôi và Ban giám hiệu nhà trường rất buồn. Thầy Lượng cũng rất buồn nhưng chúng tôi động viên thầy thôi thì về được gần nhà, có điều kiện chăm sóc mẹ ốm đau là tốt rồi. Sau đó, do nhà trường vẫn chưa có đủ giáo viên dạy tiếng Anh nên chúng tôi đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh đề nghị thầy Lượng dạy tăng cường, một mặt đảm bảo việc học tập tiếng Anh cho các em học sinh ở đây, mặt khác giúp thầy Lượng dạy đủ tiết để hưởng lương theo quy định của nhà nước, do bên cấp 1 không đủ lớp, đủ tiết cho thầy dạy”, thầy Khanh chia sẻ.
Học mọi lúc mọi nơi
Thầy Lượng học tiếng Anh bằng nhiều cách, như thường xuyên nghe radio phát bằng tiếng Anh; các bản tin của các đài nước ngoài trên tivi bằng tiếng Anh và xem các phim truyện nói tiếng Anh. Thầy học quên trưa quên tối, lúc nào cũng mang theo bên mình các thiết bị máy móc phục vụ cho việc học hành này. Bên cạnh đó, vào những ngày nghỉ, lễ là thầy tìm đến các bạn bè người nước ngoài đang công tác, du lịch ở Quảng Trị và các tỉnh, thành lân cận để có điều kiện giao tiếp, trau dồi nguồn kiến thức tiếng Anh của mình. Cùng với việc học tiếng Anh theo cách nghe, nói, thầy còn đầu tư tìm kiếm, mua về rất nhiều sách ngữ pháp tiếng Anh, sách truyện bằng tiếng Anh để học tập, thực hành văn viết bằng tiếng Anh của mình một cách thường xuyên.
Kết quả, có 5/23 giáo viên kể trên thi đỗ kỳ thi này, gồm các giáo viên Lê Văn Lượng, Trường tiểu học Vĩnh Chấp; Trần Hữu Lưu, Trường THPT Cam Lộ, huyện Cam Lộ và 3 giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đông Hà là Ngô Minh Hải, Lê Thị Ngọc Trang và Nguyễn Thị Thùy Trang. Hiện tại, cả 5 giáo viên này đã được Cambridge đào tạo hoàn thành khóa học làm Giám khảo Quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge và được cấp Chứng nhận Giám khảo vấn đáp Quốc tế Cambridge có mã số đăng nhập mạng lưới giám khảo Cambridge toàn cầu, có quyền chấm thi vấn đáp các kỳ thi tiếng Anh Cambridge ở bất cứ đâu trên thế giới theo đúng cấp độ được đào tạo.
Dạy giỏi, chấm thi chuẩn
Trở lại kỳ thi làm Giám khảo Quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge, thầy Lượng cho hay: “Kỳ thi diễn ra 2 đợt. Đợt 1 do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge thuộc Trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh phỏng vấn trực tiếp các giáo viên tham gia dự thi tại Huế, với các lĩnh vực gồm phương pháp sư phạm và kiến thức chuyên môn. Đợt 2, do người hội đồng trên phỏng vấn qua điện thoại với các nội dung hỏi về quá trình học tập, xử lý với học sinh, cách đánh giá và nhận xét học sinh”. Tại cả 2 đợt của kỳ thi này, thầy Lượng đều xuất sắc vượt qua, giành được số điểm rất cao.
Theo Tienphong